CPTPP có hiệu lực: Doanh nghiệp cần nắm vững luật chơi

Thứ bảy, ngày 05/01/2019

(BDO) Ngày 1-1-2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực. Khi tham gia sân chơi chung, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần tận dụng các cơ hội nhưng phải chú ý khai thác tiềm năng thị trường, nhất là thị trường trong nước.


Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Tôn Đông Á.
Ảnh: DUY CHÍ

Chú trọng thị trường trong nước

CPTPP là hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba thế giới hiện nay. CPTPP có 11 nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp cắt giảm các khoản thuế dành cho sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, nới lỏng các quy định về đầu tư và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

CPTPP bao gồm thị trường gần 500 triệu người, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu. Theo tính toán, hiệp định này có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035; tổng kim ngạch nhập khẩu có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi. Tuy nhiên, DN Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt sức ép cạnh tranh rất cao trong “cuộc chơi” CPTPP này.

Tại Việt Nam, tháng 11-2018, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Việc Việt Nam sớm phê chuẩn CPTPP đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của nước ta đối với việc đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương; thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như trên thế giới.

CPTPP được kỳ vọng thúc đẩy thay đổi tư duy của các bộ, ngành, địa phương và DN trong nước. Thực tế gần đây, các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng luật, cấp phép đầu tư đều phải tính đến các quy định liệu có phù hợp với CPTPP không. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, DN mới là thành tố đóng vai trò then chốt đối với phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là sân chơi lớn như CPTPP. Nếu DN không làm thì không có thắng lợi, không có thành công khi tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, cho rằng DN trong nước cần tận dụng tối đa các cơ hội mà CPTPP mang lại về ưu đãi thuế, cải cách thể chế để mở rộng thị trường. Quan trọng hơn, DN phải tận dụng được ngay thị trường trong nước, đó là tận dụng được thị trường đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân mà rất nhiều DN nước ngoài đang muốn chiếm lĩnh.

Ông Khanh dẫn chứng, thực tế các mặt hàng như xoài Nhật Bản, thanh long Đài Loan có giá cao ngất ngưởng nhưng vẫn “cháy hàng” ở thị trường Việt Nam, trong khi Việt Nam có rất nhiều mặt hàng chất lượng cao lại đem đi xuất khẩu hết. Do vậy, DN Việt Nam cần giành lại thị trường trong nước từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Tại hội nghị ngành nông nghiệp ngày 3-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý các DN nông nghiệp phải chú trọng đến thị trường trong nước, nhất là trong bối cảnh CPTPP có hiệu lực, các mặt hàng nông sản nước ngoài sẽ tràn vào cạnh tranh với nông sản trong nước ngay chính tại thị trường nước ta.

Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước đang tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Điển hình như nhiều công ty Nhật Bản sang Việt Nam làm nông nghiệp rồi xuất khẩu ngược lại sang Nhật Bản. Câu chuyện “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu đối với thủy sản Việt Nam là bài học lớn các DN xuất khẩu cần phải lưu tâm.

Tận dụng tốt cơ hội

Các chuyên gia khuyến cáo, các DN xuất khẩu cần phải nắm vững những quy định của CPTPP có liên quan tới DN mình và tìm cách đáp ứng các yêu cầu đó. Khi CPTPP có hiệu lực, các quy định về xuất khẩu hàng hóa ngày càng khắt khe: Ngoài tiêu chuẩn về chất lượng còn phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa.

Riêng về lĩnh vực tài chính, các chuyên gia cho rằng tự do hóa tài chính trong khuôn khổ CPTPP rất cao dù các nước thành viên được quyền chủ động thực hiện những biện pháp củng cố tính ổn định tài chính và tính thống nhất của hệ thống tài chính của mình. Việt Nam cũng như các nước được áp dụng các ngoại lệ cần thiết, gồm những biện pháp thận trọng bảo vệ an ninh quốc gia, quyền lợi và thông tin cá nhân; chính sách về tỷ giá, tiền tệ nhằm bảo đảm môi trường đầu tư ổn định, an toàn.  

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương (Bifa), cho rằng CPTPP mở ra nhiều thị trường mới như Canada, Mexico, Nhật Bản, Úc… với thuế suất tối thiểu cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam. Với vai trò chủ tịch hiệp hội gỗ, ông Hiệp trăn trở làm thế nào để đạt được mục tiêu và định hướng phát triển bền vững của ngành chế biến gỗ trong tỉnh nói riêng, của Việt Nam nói chung. Theo ông, để phát triển ổn định, các DN gỗ trong nước cần chú trọng 4 khu vực mấu chốt trong chuỗi liên kết tạo ra giá trị gia tăng là phát triển nguồn nguyên liệu, sản xuất chế biến, thị trường và chính sách.

Có thể nói, việc tham gia CPTPP sẽ giúp tăng thu hút đầu tư và thương mại với các quốc gia thành viên; tăng tốc phát triển xuất khẩu, nhất là với các mặt hàng mà Bình Dương có thế mạnh như gỗ, dệt may, giày da, nông sản công nghệ cao… sang các nước trong khối. Với việc tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị thông qua hợp tác, liên kết với các DN trong khối CPTPP là cơ hội cho các DN trong nước, các thương hiệu Việt Nam có cơ hội nâng tầm và vươn xa.

Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho biết CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, DN Nhà nước… Ngoài ra, hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước. Từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho DN và lợi ích người tiêu dùng của các nước thành viên. 

TIỂU MY