CPI giảm: Người tiêu dùng hưởng lợi?
(BDO)
Nhu cầu tiêu dùng đang có xu hướng tăng vào dịp cuối năm. Trong ảnh: Khách hàng chọn lựa mua hàng khuyến mại tại Siêu thị Big C (TP.Thủ Dầu Một)
Người dân vẫn chi tiêu khả quan
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 11-2014 giảm 0,27% so với tháng trước, đánh dấu mức giảm lần thứ 2 trong năm 2014 và đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Trong đó, nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,03% so với tháng trước. Theo đà giảm dần đã được xác lập, chỉ số giá nhóm thực phẩm cũng giảm 0,1%. Giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình dao động nhẹ, hầu như không thay đổi so với tháng trước. Ngoài ra, nhóm có quyền số lớn thứ hai là nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt cũng giảm 0,74% so với tháng trước. Trong tháng 11, xăng dầu cũng giảm giá 2 lần với mức giảm khá đáng kể. Điều này đã và đang tạo ra xu hướng giảm giá đến những hàng hóa, dịch vụ có liên quan, tạo hiệu ứng kiềm chế lạm phát cũng như tâm lý lạc quan với người sản xuất và người tiêu dùng.
Trong điều kiện chỉ số CPI tăng thấp, những ngày qua đã có nhận định không lạc quan về tình hình kinh tế chung, nhất là sự chênh lệch của kết quả CPI tháng 11 mới tăng 2,6% trong khi chủ trương của Chính phủ là kiềm chế lạm phát ở mức 5%. Kết quả này thể hiện sự sụt giảm trong tổng cầu của nền kinh tế. Đây là tín hiệu không tích cực. Nhưng ở chiều ngược lại, một số ý kiến khác cho rằng lạm phát thấp không phải là nguyên nhân chủ yếu do sức mua giảm vì tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội của tháng 11 năm nay vẫn cao hơn cùng kỳ của 2 năm trước. Như vậy, nhà hoạch định chính sách có thể tính toán đến việc tăng giá để kích thích sản xuất.
Dù nhận định thế nào, thực tế nói trên có vẻ không đúng với đại bộ phận người tiêu dùng, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp, làm công ăn lương. Bởi khi giá cả tiêu dùng ổn định, mọi người đều có thể tính toán được kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm của mình từ nguồn thu nhập cố định hàng tháng. Chị Lê Thị Ngọc Dung ở phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một cho biết, giá cả thị trường trong năm 2014 tăng ít, ảnh hưởng không nhiều đến đời sống người dân. Với nguồn thu nhập của hai vợ chồng chị khoảng 7 triệu đồng/tháng, so với mức giá cả tiêu dùng, thực phẩm hiện nay thì có thể sống được.
Trên địa bàn tỉnh, năm 2014 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 103.493 tỷ đồng, tăng 24,9% so với năm 2013. Điều này cho thấy, mặc dù tình hình kinh tế chung còn nhiều khó khăn nhưng nhờ nguồn cung hàng hóa dồi dào và giá cả ổn định người tiêu dùng vẫn giữ được mức chi tiêu khả quan. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp trong tỉnh mạnh dạn chuẩn bị kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho thời gian tới.
Quản lý hiệu quả dòng tiền
Đại diện Siêu thị Big C cho biết, năm 2014 là một năm nhiều thách thức đối với doanh nghiệp, nhưng các công ty thành viên thuộc hệ thống Siêu thị Big C vẫn không ngừng nỗ lực đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ siêu thị, tích cực tham gia công tác bình ổn giá tại địa phương, tăng cường đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, cũng như các hoạt động quảng bá hàng Việt trong và ngoài nước. Nhờ vậy, hệ thống Siêu thị Big C vẫn có thể duy trì và phát triển kinh doanh ổn định. Tương tự Big C, chuẩn bị cho những thời điểm cuối năm Siêu thị Co.opMart Bình Dương cũng đã thương lượng với các nhà cung cấp để có kế hoạch đặt hàng sớm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất giá cả biến động và ổn định giá để người tiêu dùng đến mua sắm nhiều hơn và cũng là để tăng doanh thu cho đơn vị.
Còn các doanh nghiệp hoạt động sản xuất xuất khẩu thì cho rằng, mặc dù chỉ số CPI tăng thấp là nhờ giá một số mặt nguyên liệu thiết yếu như xăng dầu… giảm, tuy nhiên chi tiêu của doanh nghiệp vẫn trong xu hướng tăng do yêu cầu tăng lương, thưởng cuối năm của công nhân. Vì vậy doanh nghiệp phải có cách ứng xử hợp lý. Bà Nguyễn Thới Hòa Bình, Giám đốc Công ty TNHH Đông Tây (TX.Tân Uyên) cho rằng, dù chỉ số CPI thấp nhưng vấn đề quan tâm của doanh nghiệp là quản lý dòng tiền sao cho hiệu quả, vòng quay phải nhanh hơn. Khi dòng tiền có lãi suất vay thấp thì lợi nhuận tăng lên, nhưng do chi phí đầu vào là giá nhân công, cạnh tranh thị trường cho nên doanh nghiệp cần phải quản lý dòng tiền tốt. Về mặt con người, hiện nay cạnh tranh trên thị trường rất gay gắt nên doanh nghiệp cần có kế hoạch hoạt động, đánh giá sát thị hiếu người tiêu dùng để đáp ứng tốt nhu cầu đó. Từ đó mới có thể khai thác thị trường phù hợp, đạt doanh số, lợi nhuận cao hơn.
Một cách ứng xử thường thấy trước chỉ số CPI tăng thấp hiện nay là các đơn vị kinh doanh tung chiêu giảm giá hàng hóa, tăng chất lượng phục vụ, dịch vụ, kích thích nhu cầu mua sắm. Để làm được điều này doanh nghiệp chắc chắn phải cắt giảm nhiều loại chi phí, đặc biệt là chi phí gián tiếp. Dù cách nào thì doanh nghiệp cũng đang hướng đến sản xuất với chi phí thấp hơn và đó là điều rất tốt cho nền kinh tế.
TRÚC HUỲNH