CPI 2 thành phố lớn tiếp tục giảm
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Hà Nội giảm 0,15% so với tháng trước, còn ở TP.HCM, chỉ số này giảm hơn 0,3% so với tháng trước.
CPI giảm một phần do nhu cầu tiêu dùng lương thực thực phẩm không lớn. Theo Cục Thống kê Hà Nội, CPI tháng 4 giảm có sự đóng góp lớn của 2 nhóm hàng thiết yếu là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,65%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,14%, nhóm hàng tăng cao nhất là giao thông tăng 1,17%.
Tương tự ở TP.HCM, CPI tháng 4 giảm hơn 0,3% so với tháng trước, mức giảm tương đương với tháng 3 (giảm 0,29%).
Chỉ số CPI ở 2 TP lớn sau những tháng đầu năm tăng do Tết Nguyên đán đã giảm liên tiếp 2 tháng (tháng 3 và tháng 4).
Theo Bộ Tài chính, những yếu tố giảm áp lực tăng CPI là do nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới chỉ biến động nhẹ. Cân đối cung cầu hàng hóa dịch vụ trong nước tiếp tục được giữ vững, sức mua không có nhiều biến động. Giá một số loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được dự báo có xu hướng ổn định hoặc giảm. Nhu cầu tiêu dùng đối với nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm giảm. Giá gas đầu tháng 4 giảm khoảng 20.000 đồng/kg (tính từ đầu năm đến nay giá gas đã 4 lần giảm). Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục công tác quản lý giá, bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trong tháng 4 vẫn còn một số yếu tố tác động gây sức ép lên mặt bằng giá. Đó là tình hình dịch bệnh trên vật nuôi chưa được kiểm soát hoàn toàn; tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn đang diễn ra tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ ảnh hưởng đến sản xuất, giá một số hàng hóa, dịch vụ có khả năng biến động mang tính mùa vụ do nhu cầu tăng trong các dịp lễ hội, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.
Theo Chinhphu.vn