Covid-19 lan rộng, WHO cảnh báo chưa nên coi đây là bệnh đặc hữu
(BDO) "Hiện còn quá sớm để coi Covid-19 là bệnh đặc hữu như cúm" - đây là lời cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng nhanh và nhiều nước đang có xu hướng chủ quan trước thông tin biến thể Omicron ít có nguy cơ gây ra các biến chứng nặng.
Bà Catherine Smallwood, quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu đánh giá, virus SARS-CoV-2 vẫn đang thay đổi nhanh chóng, đặt ra những thách thức mới. Cho đến nay, vẫn chưa có một báo cáo nào đánh giá chính xác và đẩy đủ mức độ lây lan của biến thể Omicron. Chính vì thế, việc coi Covid-19 là bệnh đặc hữu cần phải được cân nhắc.
Tiêm chủng Covid-19 cho nhân viên y tế Lào. Ảnh: Đài phát thanh Lào.
Trong khi chờ đợi câu trả lời cuối cùng về việc có nên coi Omicron sẽ đặt dấu chấm hết cho đại dịch Covid 19 hay không thì số ca mắc mới trên thế giới vẫn đang tăng mạnh. Trong tuần trước, Pháp ghi nhận trung bình hơn 300.000 ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày, trong khi tại Anh, số ca bệnh chạm đỉnh hơn 218.000 ca khiến hệ thống y tế đang quá tải. Đặc biệt, tuần này, Mỹ đã có một ngày buồn khi số ca mắc Covid-19 mới vượt mốc 1,3 triệu ca .
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khu vực châu Âu Hans Kluge lo ngại, với tốc độ lây lan hiện tại của biến thể Omicron, hơn 50% dân số khu vực châu Âu có thể sẽ nhiễm biến thể mới trong vòng 6 đến 8 tuần tới.
"Biến thể Omicron đại diện cho một làn sóng thủy triều từ tây sang đông mới quét qua khu vực, thậm chỉ nó còn ngự trên đỉnh của đợt triều cường Delta vốn đã kéo dài đến cuối năm 2021. Trong tuần đầu tiên của năm 2022, khu vực châu Âu báo cáo tổng cộng 7 triệu ca mắc mới Covid-19. Con số này cho thấy tỷ lệ phổ biến của biến thể Omicron đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian 2 tuần.”
Một thực tế đáng buồn là biến thể Omicron khiến hệ thống y tế của nhiều quốc gia rơi vào tình trạng quá tải. Các nước dù hạ thấp nguy cơ tăng nặng của Omicron nhưng vẫn liên tục đưa ra các kế hoạch đối phó. Tiêm mũi tăng cường, tăng các dịch vụ y tế từ xa trong điều trị các bệnh nhân Covid-19 tại nhà là các biện pháp được hầu hết các nước áp dụng.
Ông Sergei Sobyanin - Thị trưởng thành phố Moscow nói: “Tôi nghĩ trong vòng 70 ngày tới, chúng ta sẽ đối mặt với sự gia tăng đáng kể các ca mắc Covid-19. Chính vì thế, chúng tôi đã huy động thêm giường bệnh, huy động hệ thống y tế, tăng cường kiểm soát việc thực hiện các biện pháp phòng dịch, vận động mọi người đi tiêm vắc xin."
Một số nước châu Âu đã có những quy định bắt buộc đối với tiêm vaccine và thậm chí áp dụng các biện pháp mạnh như phạt tiền, cấm tham gia các hoạt động xã hội như Canada, Áo, Italy.. Mặc dù việc tiêm tăng cường sẽ có tác dụng giảm các ca tử vong và bệnh nặng, song WHO cũng bày tỏ quan ngại rằng việc tiêm tăng cường vaccine liên tục sẽ không phải là giải pháp bền vững mà cần phải có sự nghiên cứu để tìm ra thuốc đặc trị, nâng cấp vaccine cho các loại biến thể để ngăn ngừa lây lan./.
Theo VOV