Covid-19 gia tăng, làm thế nào phân biệt với cúm mùa
(BDO) Đa phần bệnh nhân mắc Covid-19 trở lại có triệu chứng nhẹ, dễ nhầm với bệnh cúm, các bệnh viêm đường hô hấp trên khác. Chỉ có bằng xét nghiệm mới phân biệt được bạn có đang nhiễm Covid-19 hay không.
(Ảnh minh họa)
Các ca chuyển nặng đều có bệnh lý nền
Số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục ghi nhận gia tăng lên mốc hàng nghìn ca trong 2 ngày qua, cao nhất trong hơn nửa năm qua. Con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng nữa nếu mọi người không có những biện pháp phòng dịch hiệu quả.
Mới đây, tại cuộc họp của Bộ Y tế, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Thanh Hà cho biết, thời điểm tháng 1/2023, bệnh viện chỉ tiếp nhận điều trị 20 ca, tháng 2 là 21 ca, tháng 3 tăng lên 45 ca, nhưng từ tháng 4 đã tăng lên.
"Tuần đầu tiên tháng 4, bệnh viện tiếp nhận 47 ca, tuần 2 tăng lên 85 ca và cập nhật đến cuối chiều 17/4, bệnh viện đang tiếp nhận điều trị 146 ca, trong đó có 21 ca có dấu hiệu chuyển nặng", bác sĩ Thanh Hà cho biết.
Trong số 21 bệnh nhân này hầu hết trên 70 tuổi; đa phần có bệnh nền kèm theo như tiểu đường, huyết áp, lao, HIV, COPD, viêm gan, xơ gan…
Tính đến ngày 19/4, số ca Covid-19 đang nằm điều trị là 164 ca. Toàn viện có 13 ca nặng có yếu tố Covid-19 phải thở máy, 10 ca phải thở oxy. Lãnh đạo bệnh viện này khẳng định tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nặng trên tổng số ca nhập viện không tăng đáng kể.
Để hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thành lập đường dây nóng tư vấn tuyến dưới để phân tầng, chuyển bệnh nhân phù hợp và tránh quá tải cho tuyến trên.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, số bệnh nhân đến khám vì Covid-19 cũng tăng trở lại.
Theo bác sĩ chuyên khoa Nguyễn Văn Học, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, triệu chứng của bệnh Covid-19 không có thay đổi nhiều so với trước. Đa số bệnh nhân vào viện với các biểu hiện viêm long đường hô hấp trên, gần giống với cúm, các các loại sốt virus khác như: hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng, sốt, đau mỏi người…
Một số trường hợp vào khám với triệu chứng ho khan dai dẳng 5-7 ngày, khi đi khám được test sàng lọc thì có kết quả dương tính.
"Tỷ lệ nhập viện trong những ngày đầu tháng 4 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là khoảng 25%. Về cơ bản các trường hợp nhập viện đều nhẹ, chủ yếu điều trị triệu chứng, chưa cần thiết điều trị đặc hiệu liên quan đến Covid-19", bác sĩ Học cho hay.
Độ tuổi mắc đa dạng, cả trẻ con, người trẻ, người già. Có bệnh nhân bị đột quỵ não chỉ nằm một chỗ không đi ra khỏi nhà cũng mắc Covid-19. Nhiều trẻ vào viện với biểu hiện sốt, khi làm xét nghiệm cũng cho kết quả dương tính.
Theo bác sĩ Học, hiện có nhiều dịch bệnh khác cũng đang tồn tại như cúm A, cúm B, sốt xuất huyết, các virus gây bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ khác... Các bệnh này có triệu chứng khá giống nhau, dễ gây nhầm lẫn. Nếu không làm xét nghiệm thì khó phân phân biệt được trong giai đoạn đầu của bệnh.
Tất cả các trường hợp có triệu chứng viêm long đường hô hấp trên: ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi… đều được xét nghiệm Covid-19 trước.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, cơ quan này đang phối hợp với các chuyên gia để rà soát lại hướng dẫn điều trị Covid-19. Dự kiến, trong tuần này, hội đồng chuyên môn sẽ họp để rà soát, cập nhật lại hướng dẫn điều trị phù hợp với tình hình mới.
Theo ông Khoa, hướng dẫn chẩn đoán sẽ không thay đổi nhiều, phần điều trị chủ yếu sửa đổi, cập nhật thêm các thuốc do đã có những nghiên cứu, bằng chứng mới trong điều trị.
Phân biệt Covid-19 với cúm mùa
Cúm và Covid-19 đều là bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp, nhưng chúng do các loại virus khác nhau gây ra. Covid-19 lây lan dễ dàng hơn bệnh cúm.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh, Bệnh viện Phổi Trung ương, cả Covid-19 và bệnh cúm đều có các mức độ biểu hiện khác nhau, từ không có triệu chứng đến triệu chứng nhẹ, trung bình, nặng và nghiêm trọng.
Theo CDC Mỹ, cảm cúm thường đến đột ngột. Những người bị cúm thường cảm thấy một số hoặc tất cả các triệu chứng sau: Sốt hoặc cảm thấy sốt/ớn lạnh; ho; viêm họng; chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; đau cơ hoặc cơ thể; đau đầu; mệt mỏi.
Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, mặc dù điều này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Điều quan trọng cần lưu ý là không phải ai bị cúm cũng sẽ bị sốt.
Triệu chứng mắc Covid-19 rất đa dạng, từ nhẹ đến bệnh nặng. Chúng có thể xuất hiện từ 2-14 ngày sau khi tiếp xúc với virus.
Các triệu chứng có thể bao gồm: Sốt hoặc ớn lạnh; ho; thở gấp hoặc khó thở; mệt mỏi; đau cơ hoặc cơ thể; đau đầu; mất vị giác hoặc mùi mới; đau họng; nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi; buồn nôn hoặc nôn mửa; bệnh tiêu chảy.
Các triệu chứng có thể thay đổi với các biến thể Covid-19 mới và có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng tiêm chủng.
Bạn nên gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức nếu có các triệu chứng trở nặng như: Khó thở; đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực; thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật; tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
Theo TTXVN