Cọp ba móng Chiến khu Đ
(BDO) Cọp ba móng là tên của một con cọp xuất hiện tại vùng rừng miền Đông Nam bộ ở khoảng năm 1948. Con cọp này một chân chỉ có ba móng, nó đã ăn thịt rất nhiều cư dân sống tại vùng này và gieo rắc nỗi kinh hoàng cho những người sinh sống ở tại Chiến khu Đ. Sự hoành hành của Cọp ba móng đến mức Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Biên Hòa lúc đó đã phải lên kế hoạch tổ chức săn lùng để tiêu diệt.
Cọp ba móng bị bắn hạ năm 1950
Miền Đông Nam bộ xưa kia bạt ngàn rừng rậm, thú rừng nhiều vô kể, đặc biệt là thú dữ như gấu, báo và cọp. Người dân vào rừng hái măng, kiếm củi thường gặp cọp, bộ đội hành quân cũng thường chạm mặt “Ông Ba Mươi”. Nhưng đến đầu năm 1948, cụ thể là sau Chiến thắng La Ngà (ngày 1-3-1948), ở một khu rừng xuất hiện một con Cọp ba móng, nó vô cùng tinh ranh, vồ người liên tục, đã gieo rắc bao tai ương và nỗi kinh hoàng cho cư dân sống ven rừng. Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Biên Hòa lúc đó đã treo giải thưởng 500 đồng bạc đỏ (tiền vùng ta kiểm soát) và 500 đồng bạc xanh (tiền vùng Pháp kiểm soát) cho ai hạ được nó. Có nhiều tranh cãi về nguồn gốc xuất hiện của Cọp Ba Móng. Nhưng theo một số nhân chứng thì đây là con cọp do một chủ đồn điền người Pháp nuôi bị sổng chuồng, nó trở thành con cọp rừng hung dữ.
Theo diễn tả của các nhân chứng, Cọp ba móng dài khoảng 3m, nặng trên 200 kg, phần dưới cổ và bụng trắng như bông, lông nửa vàng nửa xám. Nó có thể nhảy qua hàng rào khoảng 3m và có thể cõng một con heo nặng 100 kg trên lưng chạy mấy cây số. Cọp ba móng vô cùng tinh ranh, nó có thể bắt chước giọng hú, lần dấu tìm người bị lạc trong rừng để vồ ăn thịt. Con cọp này từng bị bắn bị thương một chân nên chỉ còn ba móng, vì vậy người ta gọi nó với cái tên Cọp ba móng. Những thợ săn cho biết đây là một con cọp già, vì sức yếu, không còn nhanh nhẹn nên không thể săn được mồi trong tự nhiên được nữa, nó đành ăn xác người. Sau đó quen mùi nên mò về làng bắt người. Theo lời kể của các nhân chứng, thời gian đầu tiên, rừng ở miền Đông Nam bộ rậm và hoang vu, bộ đội ta phát hiện những nấm mộ chiến sĩ bị đào bới mất xác, trên nền đất in đầy dấu chân cọp.
Một ngôi miếu nhỏ ven đường ở ấp Bình Ý, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, người dân dựng thờ bức tượng hổ để tránh “Ông Ba Mươi” về quấy phá
Thiếu tướng Bùi Cát Vũ, lúc đó là Giám đốc Công binh xưởng ở Tân Uyên kể rằng đã chứng kiến một con cọp thật to, ngoạm một anh thanh niên tên là Chín Lượm chạy băng vào rừng. Người dân và một số bộ đội đốt đuốc tìm xác. Đoàn người lần theo dấu vết máu còn vương trên cành cây, ngọn cỏ, tiến sâu vào rừng, tìm đến Suối Cái, cuối cùng đã tìm thấy xác anh Lượm. Họ bèn lập mưu tiêu diệt con cọp này bằng súng trung liên, đội gồm 4 người 2 người canh gác và 2 người nghỉ thay phiên 24/24 giờ, hễ cọp quay lại ăn xác anh Lượm thì nổ súng tiêu diệt. Đêm hôm sau, Cọp ba móng quay lại, đợi khi cọp tiến lại gần xác anh Lượm, đội nổ súng liên hồi. Sau loạt trung liên, cọp trúng đạn gầm thét dữ dội nhưng vì đêm tối mà cọp lại nhanh nên không bắn trúng đầu nó mà chỉ trúng thân, nó bị thương và chạy mất vào rừng sâu. Điều này khiến đội diệt cọp lo lắng vì theo kinh nghiệm dân gian khi bị giết hụt, cọp sẽ càng trở nên hung hãn và sẽ quay về báo thù con người.
Đúng vậy, sau khi chết hụt, Cọp ba móng về làng báo thù, nó hung dữ, tinh ranh hơn. Theo báo cáo, đêm nào cũng có người chết, có đêm mất tích tới 2 người ở hai xóm cách xa nhau cả 10 cây số. Lúc đầu cọp bắt người đi ngoài đường, sau đó nó dạn dĩ hơn xé rào chui vào nhà. Nó về làng bắt người giữa cả ban ngày. Bao nhiêu bẫy được giăng ra cũng không bắt được nó.
Với tình hình như trên, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Biên Hòa lúc đó ra chỉ thị thành lập đội săn cọp và bằng mọi giá, phải diệt được con Cọp ba móng nguy hiểm này trả lại sự bình yên cho dân làng. Sau một thời gian theo dõi, đội săn cọp đã tìm ra quy luật đi lại của Cọp ba móng. Khi bắt người, nó tha vào rừng ăn một phần lót dạ và cũng để cái xác nhẹ hơn. Sau đó, nó tha về hang ăn tiếp, rồi để đó đi ngủ. Sau khi ngủ, nó dậy ăn nốt phần còn lại. Nắm được quy luật này, đội thợ săn đã đặt mìn vào xác một con heo. Đêm đặt bẫy, Cọp ba móng mò ra, gầm gừ nhìn con mồi rồi vồ lấy. Mìn nổ, cọp rống lên rồi lao thẳng vào rừng sâu. Lần này, nó vẫn không chết dù bị thương rất nặng.
Một thời gian sau, khoảng năm 1950, Cọp ba móng lại tiếp tục mò về làng. Lần này nó già yếu và chậm chạp hơn. Dù vậy nó cũng đã vồ chết một phụ nữ ở vùng Lạc An. Bị cả nhóm thợ săn truy đuổi, nó đành thả xác chị ở cửa rừng. Lập tức ông Bùi Cát Vũ cùng một số bộ binh công xưởng nghĩ ra kế gài mìn trên thi hài nạn nhân, thay vì đưa chị về an táng, sẽ giữ chị lại nguyên vị trí. Theo kinh nghiệm của các thợ săn lâu năm góp ý thì cọp mới lớn thích thịt tươi còn cọp già thì thích thịt ươn, mùi tử khí càng nặng sẽ dẫn dụ Cọp ba móng già quay lại nơi nó đã bỏ miếng mồi để ăn mà không đi nơi khác hại người thêm. Sau khi thuyết phục và được gia đình người phụ nữ xấu số đồng ý, đội săn bắt cọp lên kế hoạch mai phục để tiêu diệt Cọp ba móng với quyết tâm cao nhất là phải giết cho bằng được con ác thú này trả thù cho những đồng đội và người dân bị chết thảm dưới móng vuốt của nó, để cho nhân dân trong Chiến khu Đ được sống yên bình.
Ba ngày sau, mùi tử khí rất nặng dẫn dụ Cọp ba móng mò ra khỏi nơi ẩn nấp. Cọp đang đói, gặp miếng mồi ngon, nó lao đến. Ngay lập tức các tay súng của đội săn bắt cọp cùng nhả đạn. Cọp ba móng trúng đạn gầm thét, cố lê lết gần cả 100m nữa mới chịu gục xuống. Xác của cọp được xác định dài 3m, cao 1,2m nặng hơn 200 kg. Hạ được con Cọp ba móng, dân chúng và cán bộ trong Chiến khu Đ vui mừng và thở phào nhẹ nhõm. Nỗi sợ bị cọp bắt của người dân nơi đây từ đó mới được giải tỏa…
Địa bàn hoạt động của Cọp ba móng là tại vùng rừng miền Đông Nam bộ nhưng chủ yếu là ở vùng Chiến khu Đ, từ Chánh Hưng, Lạc An lên tới Mã Đà, một dãy rừng già liên tiếp gần 70 cây số. Cọp ba móng xuất hiện ở nhiều nơi, như: Cây Chanh, Hàng Dài, Bà Đã, Đất Cuốc, Nhà Nai, Bưng Kè, Ba Hố, Bàu Bếp, Suối Đỉa… Chỉ trong 3 năm, nạn nhân của Cọp ba móng có thể lên đến 200 người. |
N.HUY (tổng hợp)