COP-18: Vẫn bất đồng trong mục tiêu cắt giảm khí thải

Thứ tư, ngày 05/12/2012

Bất đồng giữa nước giàu và nghèo cản trở nỗ lực đạt thỏa thuận nhằm ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này.

Ngày 3-12, tại Hội nghị lần thứ 18 về Biến đổi khí hậu (COP-18) tại Dohar (Qatar), EU đã hối thúc gây thêm áp lực với các nước như Trung Quốc và Mỹ nhằm yêu cầu các nước này tăng thêm việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

 

Gần 200 nước đang cố gắng tiếp tục theo đuổi nỗ lực do Liên Hợp Quốc dẫn đầu nhằm giảm tình trạng ấm lên toàn cầu như ngăn ngừa lũ lụt, các đợt nắng nóng, hạn hán và mực nước biển dâng. Đây cũng là vấn đề chính đang được thảo luận tại Hội nghị lần thứ 18 của các bên tham gia Công ước khung Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (COP-18) diễn ra từ ngày 26-11 đến 7-12 tại Qatar.

Ủy viên phụ trách vấn đề khí hậu của Liên minh Châu Connie Hedegaard cho biết, trọng tâm Hội nghị lần thứ 18 nhằm vào một nhóm các nước giàu, với mục tiêu bám vào kế hoạch của Liên hiệp quốc để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sau năm 2012. Tuy nhiên, các nước thành viên ký kết nghị định thư Kyôtô chỉ chiếm không đầy 15% lượng khí thải của cả thế giới. Ông nói: “Chúng ta đều biết rằng, có quá ít cam kết trong giai đoạn hai. Điều quan trọng là chúng ta đừng để lãng phí những công việc chúng ta đã làm trong thời gian qua. Chúng ta nên tập trung nỗ lực cho những quốc gia có lượng khí thải lớn trên toàn cầu. Những gì mà họ đang làm sẽ thúc đẩy mục tiêu của chúng ta”.

Tuy nhiên, các nước thải lượng khí thải lớn, dẫn đầu là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Nga lại không có các mục tiêu và không tham gia bất kỳ thỏa thuận cắt giảm khí thải toàn cầu nào kể từ sau khi đứng ngoài nghị định thư Kyoto. Ông Todd Stern - Trưởng đoàn đàm phán khí hậu của Mỹ tuyên bố, Washington đang hướng tới việc đạt được mục tiêu cắt giảm 17% lượng khí thải dưới mức của năm 2005 nhưng không muốn tham gia bất cứ cam kết hay thoả thuận cắt giảm khí thải toàn cầu nào. Ông nói: “Trong khi chắc chắn cần có sự khác biệt giữa các quốc gia, chúng tôi sẽ lập luận rằng, sự khác biệt này cần được thực hiện trên cơ sở xem xét lại các hoàn cảnh thực tế. Do đó, sự khác biệt đó được xây dựng trên hoàn cảnh của mỗi quốc gia và khả năng của họ. Các bên đều phải có nghĩa vụ”.

Mỹ cho đến giờ vẫn từ chối tham gia Nghị định thư Kyoto vì cho rằng, nó không áp đặt những cam kết ràng buộc lên những nước đang phát triển hàng đầu như Ấn Độ và Trung Quốc - đang là nước thải khí cacbon số 1 thế giới.

Hiện nay, bất đồng nêu trên giữa những nước giàu và nghèo đang cản trở nỗ lực đạt thỏa thuận nhằm ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này. Nhiều nhà khoa học cho rằng, những sự kiện thời tiết khắc nghiệt, như siêu bão Sandy gần đây, sẽ diễn ra thường xuyên hơn khi trái đất ấm dần lên.

Theo VOV