Công ty TNHH Hương Mộc: Phát huy hiệu quả đề án khuyến công!
(BDO) Góp phần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị “Định hướng và giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ có thương hiệu, có uy tín của thế giới. Theo đó toàn ngành phấn đấu đến năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu 12 - 13 tỷ USD và năm 2025 đạt 18 - 20 tỷ USD. Trong chỉ tiêu này, Bình Dương đóng vai trò quan trọng khi đóng góp phần lớn cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Qua xem xét thấy Công ty TNHH Hương Mộc đáp ứng các yêu cầu để được đầu tư đề án khuyến công: Là doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, có sản phẩm từ gỗ, sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp huyện, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp (XTĐT&PTCN) đã xét hỗ trợ ứng dụng máy nén khí 30 HP cho đơn vị.
Công ty khởi nghiệp thành công
Công ty TNHH Hương Mộc được thành lập từ năm 2007, từ ý tưởng ban đầu là trở thành DN phụ trợ cho các DN FDI trên địa bàn tỉnh, công ty đã nhận làm gia công khung sườn ghế sopha cho Công ty TNHH White Feachthers Intermational ở KCN Mỹ Phước II. Sản phẩm này được tạo ra do lắp ghép, liên kết các chi tiết gỗ, ván ép lại với nhau bằng đinh, keo. Hiện doanh thu mảng này chiếm 50% tổng doanh số toàn công ty. Nhằm phát triển bền vững, không lệ thuộc vào một đơn hàng, nhận thấy nhu cầu mua sắm đồ gỗ nội thất của người Việt tăng cao, năm 2014, Hương Mộc phát triển mảng nội thất dân dụng và văn phòng sử dụng gỗ thông từ rừng trồng và ván công nghiệp. Đi từ ý tưởng tạo nên sự khác biệt và phù hợp với xu hướng nội thất của người Việt, với phương châm “Khách hàng thỏa mãn, chúng tôi tồn tại”, Hương Mộc tổ chức quy trình sản xuất khép kín từ khâu đo đạc, thiết kế, sản xuất và thi công lắp đặt, kèm theo đó là dịch vụ chăm sóc khách hàng sau bán hàng. Với sản phẩm sản xuất hàng nội thất từ ván công nghiệp, sản xuất khung sườn ghế sopha, công ty đã đáp ứng yêu cầu sắm sửa nhanh, không chờ đợi, công ty nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, sản xuất sản phẩm nội thất phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, sản xuất và trưng bày, bán sản phẩm tại 3 cửa hàng showroom ở Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh. Công ty có lượng lớn khách hàng từ Bình Dương, Bình Phước và TP.Hồ Chí Minh. Qua hơn 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, Hương Mộc đã không ngừng phát triển, mở rộng địa bàn kinh doanh, tạo được uy tín với khách hàng. Tổng doanh thu năm 2016 gần 43,6 tỷ đồng, năm 2017 là 34 tỷ đồng.
Máy nén khí HP 30 do Trung tâm XTĐT, TM &PTCN hỗ trợ ứng dụng tại Công ty TNHH Hương Mộc
Năm 2018, Công ty Hương Mộc có sản phẩm giường ngủ 04 được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu của TX.Bến Cát và được xem xét hỗ trợ ứng dụng máy nén khí 30 HP. Đây là máy công nghệ mới quan trọng không thể thiếu trong ngành chế biến gỗ, có tính năng cung cấp khí nén có áp suất cao để vận hành các máy móc khác trong sản xuất, chế biến gỗ.
Hiệu quả kinh tế - xã hội của đề án
Theo Đề án khuyến công hỗ trợ máy nén khí 30 HP của Trung tâm XTĐT, TM&PTCN, việc đầu tư máy theo nội dung dự án này có ý nghĩa quan trọng vì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các lỗi thường gặp trong quá trình sản xuất, tăng tính ổn định của máy móc khác, giảm chi phí về nhân công, nguyên liệu. Từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và công ty trên thị trường.
Sau khi đầu tư máy, Công ty Hương Mộc sẽ đáp ứng được các đơn hàng có tiềm năng tiêu thụ lớn tại thị trường trong nước và thị trường các nước châu Âu, châu Á. Đây là thị trường tiềm năng mà trước đây do thiếu máy móc, công ty đã bỏ qua nhiều lời đề nghị hợp tác.
Được biết, đề án đầu tư máy nén khí 30 HP, mới 100%, xuất xứ Đài Loan (Trung Quốc) có tổng kinh phí 467.500.000 đồng. Sản phẩm: Khí nén áp suất cao để vận hành các máy móc khác trong chế biến gỗ.
Ưu việt của máy nén khí: Công suất lớn, độ an toàn cao. Tổ chức thực hiện: Trung tâm lập đề án đề nghị hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương, trình Sở Công thương thẩm định phê duyệt kinh phí thực hiện đề án.
Sau khi có quyết định giao kinh phí, trung tâm tiến hành triển khai phối hợp với đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện đề án, trên cơ sở đúng nội dung, đối tượng và ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công. Trung tâm căn cứ hợp đồng kinh tế giữa đơn vị thụ hưởng với đơn vị cung cấp máy móc thiết bị và kinh phí được duyệt, xây dựng hợp đồng hỗ trợ cho đơn vị thụ hưởng theo mức kinh phí được duyệt. Trung tâm thực hiện lưu trữ hồ sơ khuyến công và thường xuyên chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan có thẩm quyền quản lý đề án.
Khi kết thúc đề án, trung tâm lập báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện đề án và tiến hành nghiệm thu, thanh lý, quyết toán hợp đồng.
Hiệu quả đề án: Sau đầu tư máy, công ty sẽ tăng doanh thu từ 30% đến 40%. Do việc đầu tư xuất phát từ nhu cầu khách hàng nên sau khi đầu tư, công ty sẽ tạo ra sản phẩm mới, đáp ứng năng suất và chất lượng. Đồng thời, chi phí sản xuất và chi phí nhân công giảm 5%, lợi nhuận trước thuế tăng 10% đến 15%. Dự kiến công ty sẽ hoàn vốn đầu tư sau một năm đưa dây chuyền đi vào sản xuất. Từ đó sẽ nâng cao thương hiệu công ty, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Cùng với việc tăng doanh số, công ty bảo đảm nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước. Giải quyết việc làm cho 100 công nhân với mức lương trung bình 5.000.000 - 7.000.000 đồng/người/tháng và làm việc trong điều kiện thông thoáng, bảo đảm sức khỏe và ổn định đời sống.
Phát huy hiệu quả từ đề án khuyến công
Ông Võ Văn Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Hương Mộc, cho biết: “Trước đây hệ thống máy nén khí cũ không đáp ứng được nhu cầu, cũng như độ an toàn khi sử dụng nên công ty đã làm đơn để được Trung tâm XTĐT, TM&PTCN hỗ trợ hệ thống máy nén khí trong sản xuất gỗ gia dụng. Trước hết, tập thể cán bộ, công nhân viên chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến cán bộ và lãnh đạo các cấp, chúc quý cán bộ và lãnh đạo dồi dào sức khỏe nhằm tiếp tục đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt cộng đồng DN nhỏ của chúng tôi phát triển bền vững. Chúng tôi rất vui mừng và vinh hạnh khi nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cán bộ và lãnh đạo, đã tạo điều kiện cho chúng tôi có cơ hội trang bị, cải tiến công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là món quà vô giá, và là nguồn động lực lớn thúc đẩy chúng tôi cố gắng hơn nữa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Thông qua thiết bị được Trung tâm XTĐT, TM&PTCN tỉnh trang bị, chúng tôi cam kết việc sử dụng thiết bị mang lại giá trị cụ thể và hiệu quả tối đa, góp phần phát triển bền vững trong cộng đồng DN của tỉnh nhà. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Trung tâm XTĐT, TM&PTCN tỉnh, để chúng tôi tiếp tục có cơ hội cải tiến công nghệ sản xuất, kinh doanh”.
Tại lễ nghiệm thu máy nén khí ở Công ty Hương mộc, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Trong lộ trình hội nhập và xây dựng thành phố thông minh, vừa rồi tỉnh ta đã tổ chức Hội chợ Công nghệ cao rất lớn. Đây là niềm tự hào của Bình Dương. Tỉnh và Sở Công thương đã và sẽ hỗ trợ hết mình, bằng nhiều chương trình cho DN, để DN giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh phát triển và hội nhập”.
Ông Lê Thành Tâm, Phó phòng Kinh tế TX.Bến Cát, phát biểu: “Cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Sở Công thương, Trung tâm XTĐT, TM&PTCN. Mỗi năm Phòng Kinh tế đều xây dựng kế hoạch hỗ trợ DN CNNT, hỗ trợ DN vừa và nhỏ trên địa bàn thị xã. Chúng tôi tiếp tục rà soát DN vừa và nhỏ trên địa bàn để đề xuất Trung tâm XTĐT, TM&PTCN tiếp tục hỗ trợ. Chúng tôi nhận thấy đề án hỗ trợ máy tại Công ty Hương Mộc phù hợp sự phát triển DN. Đề nghị DN phát huy hết công năng hiệu quả máy móc vừa được hỗ trợ, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia cho gỗ Việt Nam năm 2019, khẳng định thương hiệu ngành gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thủ tướng cho rằng, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín của thế giới. Theo đó, toàn ngành cần phấn đấu đến năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu 12 - 13 tỷ USD và năm 2025 đạt 18- 20 tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng gợi ý một số giải pháp, trong đó có giải pháp: Coi lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản. Thủ tướng khuyến khích và đề nghị các DN ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành chế biến gỗ và lâm sản, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Làm tốt công tác phát triển thị trường trong ngoài nước.
TTKC