Công ty Điện lực Bình Dương: Triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà
Thực hiện Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 (Chương trình quốc gia về DSM), Công ty Điện lực Bình Dương đã triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà (hay còn gọi là điện mặt trời áp mái - MTAM) trong cộng đồng dân cư và cơ sở sản xuất, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
(BDO)
Theo đó, công ty lắp đặt (miễn phí) công tơ đo đếm hai chiều đo đếm điện năng; ký kết hợp đồng mua lượng điện dư từ hệ thống điện MTAM của hộ dân, doanh nghiệp phát lên lưới điện; thanh toán tiền hàng tháng theo giá quy định; thực hiện (miễn phí) các hồ sơ liên quan việc đấu nối vào lưới điện; cùng với đó ghi chỉ số, thanh toán tiền điện MTAM đến khách hàng định kỳ hàng tháng.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nếu lắp đặt điện MTAM, người dân sẽ không phải lo lắng nhiều về tiền điện vì hệ thống này tự sản xuất được điện. Bên cạnh đó, lượng điện mặt trời không sử dụng sẽ được ngành điện mua lại với mức giá lên đến 2.086 đồng/số điện, cao hơn giá bán lẻ điện trung bình hiện nay khoảng 300 đồng/số điện. Chương trình quốc gia về DSM được triển khai phù hợp với xu hướng phát triển của ngành năng lượng, ngành điện và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; bảo đảm tối ưu mọi nguồn lực xã hội, hiệu quả và lợi ích của khách hàng sử dụng điện và các đơn vị điện lực trong chuỗi quá trình từ sản xuất điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán điện và sử dụng điện.
Mục tiêu của chương trình này là phấn đấu giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia (so với dự báo nhu cầu phụ tải điện trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia) khoảng 300 MW vào năm 2020, 1.000 MW vào năm 2025 và 2.000 MW vào năm 2030 thông qua triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về DSM; hệ số phụ tải hệ thống điện quốc gia (Kpt) tăng từ 1 - 2% giai đoạn 2018- 2020 và 3 - 4% trong giai đoạn từ 2021-2030.
HOÀNG ANH