Công ty Điện lực Bình Dương: Đẩy mạnh số hóa lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy
(BDO) Trước bối cảnh tác động ngày càng lớn của cách mạng công nghiệp 4.0 trong mọi mặt đời sống xã hội, ngành điện lực nói chung và Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD) nói riêng đã xây dựng lộ trình chuyển đổi số trong lĩnh vực điện lực với mục tiêu ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, quản trị đến kinh doanh và dịch vụ khách hàng nhằm góp phần bảo đảm an toàn trong công tác quản lý, khai thác, kinh doanh hiệu hiệu quả, an toàn.
Hình ảnh mô tả mô hình triển khai áp dụng giải pháp VR
Ứng dụng công nghệ 4.0
Trong nhiều năm qua, PCBD đã từng bước xây dựng lộ trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của công ty để đáp ứng yêu cầu phát triển chung của đất nước và với vai trò là ngành chủ đạo trong việc phát triển kinh tế đất nước và tỉnh nhà. Công ty khẳng định và lựa chọn con đường phát triển bền vững là phải thực hiện việc CĐS ở nhiều lĩnh vực như: quản trị điều hành, đầu tư xây dựng, kỹ thuật an toàn, kinh doanh dịch vụ khách hàng… Đây chính là xu hướng tất yếu để thực hiện mục tiêu “xã hội số toàn diện” của PCBD nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
Nằm trong các nội dung quan trọng của hoạt động CĐS, việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) của PCBD cũng là một trong những giải pháp số hóa trong công tác quản trị điều hành khi công tác PCCC&CNCH đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội.
Hiện nay, trong sinh hoạt cuộc sống hay sản xuất kinh doanh, chỉ cần một phút lơ là, bất cẩn là có thể để xảy ra cháy. Mặc dù đã có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ nhưng vẫn còn một số nơi, đơn vị, cá nhân còn chủ quan chưa thực sự chú trọng công tác PCCC, dẫn đến xảy ra các vụ cháy, nổ không được kiểm soát kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng.
Công tác quản lý các phương tiện và công tác huấn luyện PCCC&CNCH của PCBD được tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), PCBD; các phương tiện, thiết bị được lắp đặt, vận hành theo quy định, đồng thời có sự kiểm tra, giám sát và thiết lập phiếu theo dõi kết quả định kỳ hàng tháng.
Web VR sử dụng bản đồ và hệ tọa độ coordinate, dễ dàng mở rộng quản lý thông tin PCCC&CHCN của các đơn vị trực thuộc PCBD
Trước đây, công tác quản lý hồ sơ, việc thống kê, tổng hợp số liệu phương tiện, dụng cụ, thiết bị PCCC&CNCH, các sơ đồ thoát nạn và số liệu được theo dõi với các định dạng bảng tính Excel, Word, PDF và niêm yết tại những nơi dễ theo dõi như: cổng bảo vệ và hành lang các tầng cho toàn thể cán bộ, công nhân viên theo dõi. Hình thức này khiến cho việc quản lý hồ sơ, phương tiện, thiết bị PCCC&CNCH lưu trữ không tập trung, chưa có sự kết hợp cũng như đồng bộ dữ liệu giữa hồ sơ thiết bị và bản vẽ PCCC&CNCH. Mặt khác, khi phát sinh thay đổi, các đơn vị trực thuộc phải tự rà soát cập nhật trên nhiều nguồn dữ liệu, khi phát sinh tình huống, CBCNV cần đến đúng vị trí niêm yết để xem sơ đồ thoát nạn, trong khi đó hồ sơ chưa có chế độ sao lưu tự động khi cần thiết và quan trọng là việc quản lý dữ liệu chưa theo hệ thống, gây khó khăn trong việc tìm kiếm, tra cứu thông tin.
Giải pháp từ công nghệ thực tế ảo (VR)
Trong giai đoạn phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và khắc phục những hạn chế nói trên, đồng thời tối ưu hóa công tác PCCC&CNCH tại PCBD, giải pháp “Số hóa và ứng dụng VR (Virtual Reality) để phục vụ công tác PCCC&CNCH” được xem là biện pháp tối ưu trong việc ứng dụng công nghệ vào công tác PCCC&CNCH.
VR là ứng dụng hỗ trợ quản lý danh sách thiết bị PCCC cùng các thông tin liên quan như: thông số kỹ thuật, vị trí lắp đặt, lịch sử bảo dưỡng sử dụng, chứng từ…, từ đó cung cấp các chức năng phục vụ công tác chuyên môn về PCCC&CNCH tại PCBD.
Ứng dụng này cũng cho phép cán bộ quản lý và người lao động trong toàn công ty có thể xem trực tiếp mô hình thoát nạn cứu hộ dựa trên hình ảnh thực tế ảo ngay trên máy tính/thiết bị thông minh. Đồng thời, dữ liệu thiết bị PCCC cũng được tích hợp hiển thị để người xem có thể tương tác khai thác ngay trên mô hình này.
Giao diện hiển thị hình ảnh 3D của Nhà điều hành PCBD trên Web VR, phân loại theo khu vực để chọn di chuyển đến, hiển thị thông tin khi tương tác với thiết bị PCCC trên hình ảnh
Cùng với những lợi ích nêu trên, ứng dụng đã giúp PCBD dễ dàng cập nhật, bổ sung, nâng cấp các thông tin khi có bổ sung thông qua việc thao tác trực tiếp trên web bằng hình ảnh 360° và có thể truy cập 24/24 giờ để tra cứu VR PCCC&CNCH. Việc kết hợp các hạ tầng sẵn có tại PCBD với thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là công nghệ VR đã tối ưu trong công tác quản trị PCCC&CNCH tại đơn vị. Giải pháp đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra, quản lý đầy đủ, chặt chẽ công tác cập nhật theo dõi thiết bị PCCC cũng như hỗ trợ công tác huấn luyện PCCC&CNCH tại công ty.
Đây là một sáng kiến cải tiến và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, góp phần khắc phục các hạn chế trong thực tế và mang lại hiệu quả cao, đặc biệt hiệu quả làm lợi sẽ tăng lên theo quy mô nếu được mở rộng phạm vi áp dụng trong ngành điện. Bên cạnh đó, ứng dụng này còn có thể mở rộng triển khai áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp khi có sẵn các quy chế, quy định trong công tác PCCC&CNCH. Đồng thời, ứng dựng có thể dùng để quản lý các mô hình cần theo dõi bằng hình ảnh 3D nhằm phục vụ công tác điều hành sản xuất kinh doanh và quản trị tại doanh nghiệp.
Giải pháp kết hợp số hóa dữ liệu PCCC và ứng dụng VR được nhận định sẽ phát huy tối đa hiệu quả của công tác chuyển đổi số trong công tác quản lý, diễn tập PCCC&CNCH, tiết kiệm thời gian và đảm bảo thông tin số liệu luôn được cập nhật chính xác.
Có thể thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ tại PCBD trong thời gian qua ngày càng được đơn vị mạnh dạn đầu tư và không ngừng đổi mới sáng tạo. Chính điều này đã giúp đơn vị cải thiện điều kiện lao động, phát triển trí tuệ, đưa tri thức và công nghệ số vào các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xã hội học tập, làm chủ, tiếp thu và sáng tạo tri thức mới của từng cán bộ công nhân viên trong công ty; góp phần nâng cao chất lượng quản trị điều hành và thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công nhân viên trong công ty đáp ứng yêu cầu về “kinh tế số”, “xã hội số” trong tình hình mới.
Bình Minh - Xuân Thi - Minh Duy