Cống thoát nước “thổi bay” hàng ngàn mét đất
(BDO) Nhiều năm qua, gia đình ông Hồ Xuân Hòa và bà Nguyễn Thị Phương Huệ (ngụ xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo) “mất ăn, mất ngủ” vì đất vườn cao su của gia đình liên tục bị xói mòn. Tình trạng này diễn ra ngày càng nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của gia đình, việc khắc phục hậu quả nằm ngoài khả năng của họ.
Nước “nuốt” đất
Theo ông Hòa, gia đình ông canh tác hơn 2,7 ha đất cao su tại ấp Đuôi Chuột, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo từ năm 2009, nhưng diện tích đất, cao su đang ngày càng giảm đi. Nguyên nhân là từ khi huyện Phú Giáo làm tuyến đường ĐH502 nối dài, có 2 cống thoát nước đã dẫn nước chảy thẳng vào vườn cao su của gia đình ông gây nên tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Qua nhiều năm, tại miệng cống số 1, nước chảy tạo thành con mương sâu hơn 2m, rộng khoảng 2m, dài trên 60m, cắt đôi mảnh đất khiến gia đình ông phải bắc cầu tạm để qua lại. Con mương này còn tạo ra nhiều “hàm ếch” có nguy cơ gây sạt lở 2 bên. Cống thứ 2 cũng dẫn nước chảy thẳng vào vườn cao su, khiến hàng loạt gốc cao su bị bật gốc; đồng thời tạo thành mương nước sâu từ 0,3m - 1m và đang có chiều hướng bào mòn ngày càng sâu, rộng hơn.
Mương nước sâu hoắm kéo dài chẻ đôi khu đất gia đình ông Hòa
Ông Hòa cho biết tình trạng nước chảy thẳng vào vườn đã khiến hàng ngàn mét đất bị sạt lở, hàng trăm gốc cao su bị ngã đổ. Ông Hòa bức xúc: “Riêng các cây cao su sát bên mương nước đang bị rỗng đất phía dưới, có khả năng hết mùa mưa năm nay cũng sẽ không còn. Cây bị trồi rễ dù không bị bật gốc nhưng cũng sẽ không có hiệu quả kinh tế vì gần như không có mủ”. Trong khi đó ở phía cuối vườn của gia đình ông đã có hơn 3.000m2 đất bị sạt lở tạo thành những hầm hố sâu hoắm rất nguy hiểm, hàng loạt cây cao su bị đổ theo. Khu vực này bị sạt lở một phần do ảnh hưởng của khai thác cát (trước năm 2012). Dù việc khai thác cát đã ngừng nhưng những năm trở lại đây tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra. Một phần nguyên nhân cũng là do nước từ suối ở trên kết hợp với nước cống dồn xuống gây ra.
Khó khắc phục
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Quyết định 104/QĐ-UBND ngày 9-12-2015 của UBND huyện Phú Giáo xác nhận có 2 cống thoát nước (đường kính 80cm) có miệng cống chảy vào khu đất của ông Hòa và gây ra hiện tượng sạt lở, xói mòn đất. Tuy nhiên, UBND huyện Phú Giáo lại cho rằng việc sạt lở đất không phải do làm đường, làm cống gây ra mà do đất của ông Hòa thuộc khu vực trũng thấp, nước đổ về theo quy luật tự nhiên. UBND huyện Phú Giáo cũng cho rằng các cống làm đúng thiết kế và cống số 1 có trước khi làm đường; trước đây chủ đất cũ trồng tầm vông giữ đất tốt, còn ông Hòa trồng cao su giữ nước không tốt nên gây sạt lở…!
Về điều này, ông Hòa cho rằng trước khi làm đường ĐH502 nối dài, không có một cống thoát nước nào ở giáp đất của ông. Khi làm công trình, các cơ quan chức năng không xem xét việc làm thay đổi dòng chảy gây ảnh hưởng đến tài sản của người dân. Trong thời gian dài, gia đình ông đã khiếu nại lên các cơ quan chuyên môn yêu cầu chính quyền địa phương có trách nhiệm khắc phục dòng chảy từ các cống thoát nước, đồng thời bồi thường thiệt hại về số cây cao su bị ngã cũng như đất bị sạt lở cho gia đình nhưng chưa được giải quyết. “Thiệt hại của gia đình tôi các cơ quan chức năng đều thấy rõ qua quá trình xác minh thực tế. Đến nay càng vào cao điểm mùa mưa thì gia đình lại chịu hậu quả ngày càng nặng hơn. Việc ngã đổ hơn 200 cây cao su và lở đất đã thấy rõ nhưng thiệt hại này của gia đình tôi vẫn không được xem xét. Bản thân gia đình tôi thì không có khả năng khắc phục được hậu quả của việc xói mòn gây ra”, ông Hòa bày tỏ sự bức xúc.
CAO SƠN