Công tác xây dựng cơ bản, trùng tu di tích được chú trọng
(BDO) Trong năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tập trung cho việc đầu tư xây dựng cơ bản các thiết chế văn hóa, trùng tu di tích văn hóa, lịch sử các cấp, hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra...
Chiến khu Tam giác sắt được bảo tồn, trùng tu và xây dựng mới nhiều hạng mục
Từ xây dựng cơ bản
Theo Sở VHTT&DL, tính đến hết tháng 10-2019, ngành đã thực hiện giải ngân đạt 80% kế hoạch năm, dự kiến đạt 99% kế hoạch năm 2019, bảo đảm kinh phí thực hiện được kịp thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị được giao trong năm, các chỉ tiêu pháp lệnh của UBND tỉnh giao cho ngành năm 2019 được triển khai bảo đảm tiến độ và chất lượng nội dung. Ngành văn hóa cũng đã thực hiện tốt công tác công khai tài chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, xây dựng kế hoạch phát triển các lĩnh vực của ngành năm 2020.
Về công tác xây dựng cơ bản, ngành văn hóa đã thực hiện thi công xây dựng và sửa chữa các công trình, như: Di tích lịch sử Rừng Kiến An, Khu tưởng niệm Chiến khu Đ, Bảo tàng tỉnh Bình Dương, di tích Nhà tù Phú Lợi, Trung tâm huấn luyện thể thao; lập thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án tôn tạo di tích khảo cổ Dốc Chùa; xây dựng Nhà luyện tập thể dục thể thao đa năng… Dự kiến đến hết năm 2019, ngành thực hiện giải ngân đạt 85 - 90% kế hoạch vốn đầu tư xây dựng trong năm.
Đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Theo ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở VHTT&DL, việc trùng tu, bảo tồn và tổ chức các hoạt động về nguồn, tuyên truyền cho thế hệ trẻ về giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng luôn được toàn ngành quan tâm. Các di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia có ban quản lý làm việc, hướng dẫn du khách tham quan khi có dịp. Những di tích như Rừng Kiến An (huyện Dầu Tiếng), Tam giác sắt (TX.Bến Cát), Nhà tù Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một)… cũng là những nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa quan trọng, kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.
Trong năm 2019, sở đã triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch”, kế hoạch quản lý và phát huy bảo vật quốc gia “Mộ chum gỗ nắp trống đồng”, lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đợt 8 năm 2019 đối với 22 hiện vật “Bộ dụng cụ dệt Phú Chánh” (hiện vật thuộc di tích khảo cổ Phú Chánh, TX.Tân Uyên). Đây cũng là những việc làm hết sức có ý nghĩa để bảo tồn giá trị văn hóa của vùng đất Bình Dương xưa và nay.
Những hoạt động đáng được ghi nhận của ngành văn hóa là tổ chức lễ trao bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia Đình thần Dĩ An, bằng di tích cấp tỉnh Miếu Bà Bình Nhâm (TX.Thuận An), Chiến khu Long Nguyên (huyện Dầu Tiếng), Chiến thắng Bông Trang - Nhà đỏ (huyện Bắc Tân Uyên)… Cũng trong năm 2019, lần đầu tiên, Sở VHTT&DL đã phối hợp triển khai tổ chức lễ giỗ lần thứ 90 của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc năm 2019 tại chùa Hội Khánh (TP.Thủ Dầu Một). Ngày giỗ đã thu hút rất đông người dân, phật tử về tham dự. Hoạt động văn hóa này còn mang ý nghĩa đạo lý “uống nước nhớ nguồn” rất đáng trân trọng.
Bên cạnh đó, theo phân cấp quản lý về di tích, các huyện, thị, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch tu bổ, xử lý mối mọt tại các di tích trên địa bàn, cụ thể như: Nhà cổ ông Đỗ Cao Thứa, Đình Dư Khánh (TX.Tân Uyên), Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên, Căn cứ Bàu Gốc (huyện Bắc Tân Uyên)… Qua đó đã nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại các địa phương.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, chú trọng việc xây dựng mới các cơ sở vật chất tạo điều kiện để sinh hoạt cộng đồng, tôn tạo di tích để bảo tồn các giá trị văn hóa cha ông để lại là việc làm quan trọng và vô cùng ý nghĩa. Vấn đề còn lại là chúng ta tiếp nhận, quản lý và sử dụng thật hiệu quả để phát huy giá trị các cơ sở vật chất tại trung tâm văn hóa, di tích văn hóa lịch sử các cấp, phục vụ tốt hơn nhu cầu về văn hóa của người dân.
Tính đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 59 di tích đã được xếp hạng (13 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh). Bảo tàng tỉnh, Nhàtruyền thống và các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh mở cửa đón hơn 156.168 lượt khách tham quan. |
QUỲNH NHƯ