Công tác xã hội, nghề của lòng nhân ái

Thứ năm, ngày 31/10/2024

(BDO)  Được mệnh danh là nghề của lòng nhân ái, các nhân viên công tác xã hội thuộc Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Bình Dương (phường An Thạnh, TP.Thuận An) không chỉ có trái tim nóng đong đầy yêu thương, sẻ chia mà còn có cả sự dấn thân với nghề.

 Nhân viên công tác xã hội trò chuyện với người già tại trung tâm

 Chuyện nghề

Đối với những nhân viên làm nghề công tác xã hội (CTXH), hoạt động nghề nghiệp này không thuần túy là từ thiện, nhân đạo mà là sự giúp đỡ có trách nhiệm. Khi những tình cảm trao đi, những người làm nghề CTXH lại bồi đắp thêm tình yêu thương chân thành mà không chờ đợi sự đền đáp.

Chị Nguyễn Ngọc Hoàng Anh, nhân viên xã hội, Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Bình Dương, gắn bó với nghề CTXH đã 11 năm. Trong quá trình thực hiện các hoạt động trợ giúp tại cộng đồng, chị nhớ đến một trường hợp bé gái 16 tuổi ở phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một có ý định tự tử. Bé có nhiều vấn đề tâm lý, tình cảm gia đình, khát khao tình yêu thương, mặc cảm tự ti ba mẹ ly hôn nên bỏ đi lang thang.

Bằng các phương pháp và kỹ năng CTXH, chị Hoàng Anh tiếp cận, tạo lập mối quan hệ, thu thập thông tin và xác định vấn đề xã hội của bé. Từ đó chị lập kế hoạch can thiệp, đưa bé vào Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh rồi kết nối với ba bé, tạo không gian cho 2 cha con gặp nhau để chia sẻ, bày tỏ nỗi lòng. “Mình đi cùng họ trọn vẹn hành trình. Sau gần một tháng tham vấn, bé đã đồng ý theo cha về gia đình, trở lại trường lớp và không còn ý định tự tử”, chị Hoàng Anh chia sẻ.

Bén duyên với nghề khi đang làm công tác chính sách người có công, từ năm 2022 anh Nguyễn Văn Thái chuyển công tác với vị trí nhân viên xã hội của trung tâm. Theo anh Thái, nghề CTXH không chỉ có trái tim nóng biết yêu thương, chia sẻ mà còn phải có chuyên môn nghiệp vụ.

Khi anh mới vào nghề được giao nhiệm vụ tìm kiếm thân nhân cho nhóm đối tượng lang thang trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú, trong đó có trường hợp anh N.V.T là đối tượng có thần kinh không ổn định. Gặp đối tượng nhiều lần nhưng anh Thái không thể thu thập được thông tin về hoàn cảnh cũng như thân nhân của đối tượng do thân chủ thường xuyên kích động, không hợp tác khi tiếp xúc và không nhớ gì về người thân. Bằng nhiều kỹ năng sau nhiều tháng anh tìm được thân nhân cho đối tượng và giúp đoàn tụ gia đình. “Bài học đầu tiên trong nghề tôi học được từ chính các đối tượng của mình đó là sự kiên nhẫn, đồng cảm và tôn trọng thân chủ dù đối tượng là người như thế nào và xuất thân từ đâu”, anh Thái trải lòng.

 Bà Trần Thị Bé, Trưởng phòng Công tác xã hội và phát triển cộng đồng, Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Bình Dương, cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động CTXH tại trung tâm vẫn còn một số hạn chế. Đối tượng cần được can thiệp, trợ giúp trên địa bàn tỉnh rất nhiều, nhưng đội ngũ CTXH vẫn chưa tiếp cận và chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, do khả năng kết nối nguồn lực còn hạn chế; quy mô và phạm vi hoạt động các dịch vụ xã hội của hoạt động CTXH liên quan đến cung cấp các dịch vụ về CTXH chủ yếu hình thành ở ngành lao động thương binh và xã hội.

Định hướng trong thời gian tới, trung tâm sẽ tăng cường kết nối dịch vụ và vận động các nguồn lực về vật chất và tinh thần nhằm đáp ứng các nhu cầu phù hợp với người dân”.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Trong hành trình hành nghề, đối tượng khiến anh Cao Đại Nam, nhân viên xã hội, Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Bình Dương, dở khóc dở cười là trường hợp anh P.N.T. (quê Quảng Nam) bị teo cơ 2 chi dưới, sống lang thang trong “ngôi nhà” di động là chiếc xe đẩy.

Anh tiếp nhận tham vấn tâm lý khi anh T. bất hợp tác, liên tục chửi bới, la hét và vu khống các nhân viên đã lấy 200 tờ vé số. Khó khăn lắm anh mới tiếp cận được và trở thành bạn của T. Đến lúc này T. thú nhận không muốn vào trung tâm “vì lòng tự ti”.

T. tâm sự, vào Bình Dương sinh sống từ năm 2000, căn bệnh teo cơ đã khiến cuộc đời anh gắn chặt vào chiếc xe lăn với mặc cảm người tàn tật. Anh cắt liên lạc với gia đình và sống lang thang trên chiếc xe lăn trong các công viên. “Ngày anh T. thay đổi suy nghĩ, quyết định về với gia đình cũng là lúc tôi nhận ra rằng nghề CTXH không chỉ cần trái tim nóng, biết yêu thương, sẻ chia mà còn có cả cái đầu lạnh để dấn thân”, anh Cao Đại Nam đúc kết.

Thực tế khi tiếp xúc với các đối tượng như tâm thần, nghiện ma túy..., những người làm CTXH phải đối mặt trực tiếp với những rủi ro khi thân chủ không kiểm soát được hành vi và cảm xúc. Nhiều nhân viên sau một thời gian làm việc, do không chịu được áp lực nên đã bỏ nghề. Người làm CTXH đòi hỏi phải có rất nhiều kỹ năng bởi những đối tượng của lĩnh vực này rất phức tạp, nhạy cảm, dễ bị tổn thương, có hành vi “lệch chuẩn”. Ngoài kiến thức cơ bản, nhân viên CTXH cần phải được đào tạo nhiều về kỹ năng và phải theo “gu” của từng đối tượng mà họ tiếp xúc.

“Hiện nay, khó khăn chung của nhân viên chúng tôi là có kiến thức chuyên ngành (trình độ đại học) và có kỹ năng công tác xã hội nhưng do nhu cầu các nhóm đối tượng yếu thế trong cộng đồng rất đa dạng, đa phần họ chưa đón nhận sự trợ giúp của CTXH, một số đối tượng còn có tâm lý ỷ lại các hoạt động từ thiện. Tôi mong muốn được tham gia thêm các lớp bồi dưỡng kỹ năng tham vấn tư vấn nhằm nâng cao năng lực tư vấn cộng đồng”, anh Cao Đại Nam chia sẻ.

Hỗ trợ kịp thời

 Anh Nguyễn Văn Thái kết nối, hỗ trợ phương tiện mưu sinh cho chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyền (phường Bình Nhâm, TP.Thuận An)

Biết hoàn cảnh khó khăn của chị Tuyền khi nuôi 5 đứa con và người cha bị bại liệt; chị phải làm nhiều nghề kiếm sống nhưng thu nhập không đủ trang trải, anh Nguyễn Văn Thái, nhân viên xã hội, Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Bình Dương, đã đề xuất trung tâm kết nối với Tổ chức HOLT/ VIỆT NAM tiến hành thu thập thông tin, đánh giá và lập kế hoạch hỗ trợ. Kết quả dự án đã hỗ trợ chị Tuyền phương tiện sinh kế là một chiếc xe máy để chị đi bán nước sâm và trái cây ướp lạnh, cải thiện thu nhập.

 KIM HÀ