Công tác tuyên truyền pháp luật: Lấy người dân làm trung tâm
(BDO)
Một tiết mục sân khấu hóa tại hội thi tìm hiểu pháp luật do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Ảnh: QUỲNH NHƯ
- Xin bà cho biết ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11)?
- Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức với mục đích tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; đồng thời tăng cường nhận thức cho mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống; tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế- xã hội và sinh hoạt hàng ngày.
Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân, công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật; là cơ hội để tổ chức nhiều hoạt động PBGDPL cho cộng đồng thông qua những cách thức khác nhau. Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội, từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.
Ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật với dấu mốc đây là ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946. Là bản Hiến pháp của nền dân chủ đầu tiên của Nhà nước ta, Hiến pháp năm 1946 đã thấm nhuần, thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do vậy, đây còn là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Ngày 9-11 được coi là điểm mốc, là sợi chỉ đỏ kết nối, xuyên suốt, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, nhắc nhở, giáo dục họ ý thức tôn trọng pháp luật, để không chỉ là một ngày, mà phấn đấu sẽ là 365 ngày trong một năm mọi tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật theo khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Đối với công tác PBGDPL, Ngày Pháp luật cũng là một trong những chế định quan trọng đặt tiền đề cho việc đổi mới tổ chức thực hiện công tác này. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tạo bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL - một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng và là nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức biết sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và xã hội.
- Để hưởng ứng ngày 9-11, Hội đồng Phối hợp PBGDPL và các đơn vị thành viên đã có những hoạt động cụ thể như thế nào? Điểm nhấn trong các hoạt động này là gì? Có gì mới so với các hoạt động năm trước?
- Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11 được thực hiện hàng năm. So với các năm trước đây, công tác tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11 năm nay cơ bản cũng giống các năm trước; tuy nhiên, mỗi năm thì chủ đề cũng như các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật có sự khác nhau trên cơ sở chỉ đạo, định hướng của Bộ Tư pháp và tình hình thực tế địa phương để thực hiện cho phù hợp.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cho nên tỉnh không tổ chức các hoạt động lớn, tập trung đông người như các năm trước đây. Tuy nhiên, nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực sôi nổi cũng đã được triển khai nhằm hưởng ứng sự kiện quan trọng này và có sự thay đổi cho phù hợp với thực tế, như: Hiện nay trên các tuyến đường chính của tỉnh và các huyện, thị đều đồng loạt treo các băng rôn, panô, cờ phướn để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11. Nhiều sở, ngành địa phương tổ chức các hoạt động, như: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên internet tại địa chỉ: http:// thitructuyen.binhduong.gov. vn cho đối tượng là thanh thiếu niên với chủ đề “Thanh niên Bình Dương với an toàn giao thông và nói không với ma túy”. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho cán bộ, công chức ngành nông nghiệp. Tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật. UBND TX.Bến Cát, TP.Dĩ An thì tổ chức lễ mít tinh; các sở, ngành, huyện, thị, thành phố tổ chức một số hoạt động như hội nghị, hội thảo, tuyên truyền, sinh hoạt chuyên đề, đăng ký kết hôn lưu động… để hưởng ứng sự kiện này.
- Thời gian tới, để Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11) trở thành một chuyên đề sinh hoạt chính trị trong người dân, tỉnh có những chương trình hành động gì để người dân nhiệt tình hưởng ứng?
- Để người dân nhiệt tình hưởng ứng, tôi nghĩ rằng các hoạt động Ngày Pháp luật nói riêng và tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung phải hướng đến người dân, lấy người dân làm trung tâm để hiểu được nhu cầu của từng đối tượng nhân dân muốn tìm hiểu luật gì để có cách thức tuyên truyền phù hợp.
Thời gian tới, Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp, như: Nâng cao hơn nữa nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, của mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong công tác PBGDPL; tăng cường công tác quản lý nhà nước về PBGDPL; kiện toàn đội ngũ làm công tác PBGDPL như thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.
Cùng với đó, Sở Tư pháp ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL; tăng cường tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; xác định đối tượng, nội dung cần tuyên truyền và chọn hình thức tuyên truyền đạt hiệu quả; áp dụng các mô hình tuyên truyền pháp luật mới và nhân rộng hình thức tuyên truyền hiệu quả.
- Xin cảm ơn bà!
L.V.CHÂU (thực hiện)