Công tác tư pháp năm 2019: Nhiều cách làm mới, thiết thực
(BDO) Nhiều năm qua, ngành tư pháp Bình Dương là điểm sáng của cả nước, có sự đóng góp âm thầm trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Năm 2019, ngành tư pháp tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, toàn diện, bám sát kế hoạch chỉ đạo của cấp trên, đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Một số cách làm mới, hiệu quả vẫn được tiếp tục duy trì, từ đó đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ.
Một buổi tuyên truyền pháp luật cho đối tượng học sinh do Sở Tư pháp phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức trong năm 2019
Năm 2019, công tác tư pháp ở Bình Dương tiếp tục phát huy được kết quả của các năm trước. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân và yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND cấp huyện đẩy mạnh thực hiện Luật Hộ tịch và các văn bản quy định hướng dẫn thi hành; bố trí cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch giải quyết các thủ tục hành chính bảo đảm nhu cầu của người dân; triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024....
Sở Tư pháp phối hợp với Sở Y tế ban hành văn bản chỉ đạo về việc cấp giấy báo tử đối với các trường hợp chết tại cơ sở y tế và ngoài cơ sở y tế. Thực hiện kiểm tra một số UBND cấp xã trong việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi. Tham gia cùng đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp kiểm tra công tác hộ tịch tại UBND TX.Thuận An và huyện Dầu Tiếng.
Công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng đạt nhiều kết quả nổi bật, Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc tiếp nhận, cung cấp, rà soát thông tin lý lịch tư pháp theo Quyết định số 1118/QĐ-UBND ngày 16-5-2014 của UBND tỉnh về quy chế phối hợp liên ngành trong công tác tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp và rà soát thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch “Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030” theo Quyết định số 338/QĐ- TTg ngày 19-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai phương thức gửi tin nhắn thông báo đến người dân các trường hợp trễ hẹn do phối hợp xác minh thông tin lý lịch tư pháp tại các cơ quan để cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Về công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) của tỉnh, nhiều năm liền có sự chuyển biến tích cực, đem lại nhiều kết quả thiết thực. Trong năm 2019, công tác PBGDPL tiếp tục có sự đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tỷ lệ hòa giải thành tăng; trợ giúp pháp lý trong tố tụng tăng. Việc áp dụng phần mềm hộ tịch có kết quả tốt; công tác cải cách hành chính có những giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương trong lĩnh vực tư pháp.
Trong năm 2019, ngành tư pháp Bình Dương đã tổ chức 161 cuộc thi tìm hiểu pháp luật từ cấp tỉnh đến cấp xã. Trong đó Hội đồng PBGDPL tỉnh tổ chức 3 cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trên internet” năm 2019. Nội dung tìm hiểu các luật mới như: Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng, Cải cách hành chính. Tổng cộng có 32.807 tài khoản đăng ký tham gia; tổ chức cuộc thi tiểu phẩm pháp luật lần I năm 2019 có 19 đơn vị đăng ký dự thi với 29 tiểu phẩm tuyên truyền. Ở cấp huyện tổ chức 53 cuộc thi và cấp xã tổ chức 86 cuộc thi. Các cấp, các ngành, địa phương cũng đã tổ chức tập huấn và tuyên truyền pháp luật được 15.919 cuộc với hơn 1,5 triệu lượt người dự.
Bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, cho biết: “Công tác PBGDPL luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm và có nhiều công văn chỉ đạo, định hướng. Năm qua, Hội đồng PBGDPL tỉnh và Ban chỉ đạo cải cách tư pháp đã ký kế hoạch phối hợp thực hiện thông tin tuyên truyền về nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp. Hội đồng PBGDPL các cấp hoạt động khá hiệu quả với vai trò tổ chức tư vấn cho UBND cùng cấp về công tác PBGDPL. Sở Tư pháp phát huy tốt vai trò thường trực Hội đồng PBGDPL tỉnh”. |
TÂM TRANG