Công tác quy hoạch đi trước sẽ tạo tiền đề cho phát triển đô thị bền vững
(BDO) Đô thị Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ với sự xuất hiện ngày càng nhiều các quần thể kiến trúc, mảng đô thị hiện đại... tạo nên những điểm nhấn theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững. Ths-kiến trúc sư Hoàng Huy Thịnh, Giám đốc Chương trình đào tạo ngành quy hoạch vùng và đô thị, trường Đại học Thủ Dầu Một đã có cách nhìn bao quát xung quanh vấn đề phát triển đô thị của Bình Dương.
Đại lộ Bình Dương góp phần tạo lực đẩy phát triển kinh tế, nâng cấp đô thị
Thủ Dầu Một
Điểm sáng hạ tầng
Đầu tư cho hạ tầng cũng là một trong những điểm sáng nổi trội trong 5 năm qua của Bình Dương. Tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường quan trọng như Mỹ Phước - Tân Vạn; ngã ba Mười Muộn đi ngã ba Tân Thành, Thủ Biên - Đất Cuốc; cầu Bạch Đằng 2; đầu tư nâng cấp đường ĐT743... Hệ thống giao thông hoàn thiện giúp Bình Dương kết nối thuận lợi với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lưu thông hàng hóa nhanh hơn. Giao thông thuận lợi là một lợi thế giúp Bình Dương thu hút dân cư về an cư lạc nghiệp.
Về hạ tầng đô thị, Bình Dương tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ bảo đảm mục tiêu phát triển. Bình Dương đã thu hút thêm dự án xây dựng thành phố mới Bình Dương. Chủ trương đô thị hóa tiếp tục được thực hiện đồng bộ giữa cải tạo đô thị hiện hữu với xây dựng đô thị mới và thực hiện chiến lược phát triển đô thị thông minh. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc nâng loại đô thị theo lộ trình. Toàn tỉnh có 1 đô thị loại I (TP.Thủ Dầu Một), 4 đô thị loại III (TP.Thuận An, TP.Dĩ An; TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên), 5 đô thị loại V thuộc huyện (thị trấn: Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Thành; Tân Bình). Để đạt được những kết quả trên, đầu tiên phải nhìn nhận Bình Dương có tiềm năng lớn từ việc gắn xây dựng cơ sở hạ tầng với phát triển đô thị. Ngay từ đầu Bình Dương đã có định hướng rõ ràng trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng cũng như đồng bộ giao thông. Bên cạnh đó, với mục tiêu trở thành đô thị công nghiệp, trung tâm chính trị, kinh tế và đầu mối giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đang từng bước quy hoạch, xây dựng các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Mở rộng kết nối các nguồn đầu tư lớn
Từ nền tảng cơ sở hạ tầng, giao thông đồng bộ, đô thị phát triển hiện đại, văn minh, Bình Dương đang ngày một thu hút nhiều nhà đầu tư lớn. Theo đánh giá của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Bình Dương trở thành “điểm đến” đầu tư đáng giá trong khu vực. Thực tế cho thấy Bình Dương đã hợp tác với các tập đoàn lớn để xây dựng các “thương hiệu” trong thu hút các nguồn lực đầu tư. Điển hình là Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) hợp tác với Becamex IDC; Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore), Tập đoàn Warburg Pincus và nhiều tập đoàn kinh tế lớn khác. Đây là điểm sáng tiềm năng của Bình Dương. Đặc biệt, cuối tháng 9-2020, Tỉnh ủy đã thống nhất triển khai Đề án xây dựng “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Binh Duong Innovation Region”. Đây là một mô hình hoàn toàn mới phù hợp với thực tiễn của Bình Dương, là môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ, tiếp tục tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới.
Bình Dương có cơ hội để mở rộng các mối quan hệ hợp tác đối ngoại, nâng tầm thương hiệu trên trường quốc tế và thu hút vốn đầu tư bằng việc trở thành thành viên của nhiều tổ chức kinh tế uy tín của thế giới. Bình Dương có thêm cơ sở để hiện thực hóa các kế hoạch tham vọng về phát triển kinh tế - xã hội, phát huy có hiệu quả trong việc triển khai đề án thành phố thông minh. Hay nói cách khác đây là tiềm năng lớn của Bình Dương.
Cần thêm nhiều yếu tố trong quy hoạch
Tầm nhìn quy hoạch về thực chất là tầm nhìn phát triển có tính dự báo khoa học mang tính khả thi cao. Tầm nhìn quy hoạch mang ý nghĩa cho sự phát triển dài hạn và bền vững hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm sau, bởi phải dựa vào điều kiện tự nhiên, kinh tế và chính trị, văn hóa, sinh thái... của nơi được quy hoạch. Vì vậy, công tác quy hoạch luôn phải đi trước, tạo tiền đề xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đáp ứng chiến lược phát triển đô thị bền vững. Quy hoạch bị phá vỡ sẽ tạo ra những hệ lụy cho đô thị, mà người dân sinh sống tại đó chịu ảnh hưởng trước tiên.
Trong những năm qua, công tác quản lý quy hoạch, hệ thống đô thị của tỉnh phát triển đúng hướng, đúng vị trí, chức năng được xác định. Và theo tôi được biết định hướng phát triển hệ thống đô thị của tỉnh được cơ quan chức năng tham mưu rà soát theo chức năng, vị trí và định hướng rất cụ thể. Mô hình và cấu trúc phát triển không gian, cũng như các điểm nhấn đô thị sẽ định hình thông qua đồ án quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết sao cho phù hợp với phát triển kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa lý và sự phát triển năng động của tỉnh trong tương lai. Tuy nhiên, theo tôi cần đưa các mục tiêu, tầm nhìn quy hoạch cụ thể vào các đồ án. Đối với thiết kế đô thị, cần quan tâm nêu bật được tổ chức không gian từ các cửa ngõ tiếp cận đô thị, các trục không gian chính, các trục cảnh quan cũng như khu trung tâm các TP.Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, đô thị Bến Cát, Tân Uyên… tạo các quảng trường và các điểm nhấn đô thị cho các đô thị loại IV, loại V lân cận. Hiện nay, chúng ta còn thiếu các quảng trường bởi theo mô hình “đô thị nhỏ” thì cần phải tổ chức quảng trường thương mại, tài chính ở các khu vực trung tâm kết nối với không gian truyền thống gắn bó với chợ và các làng nghề truyền thống.
“Nếu được tôi cho rằng nên khai thác, tạo dựng cảnh quan dọc theo sông Sài Gòn, cho phép quy hoạch xây dựng các công trình phục vụ dịch vụ - thương mại - du lịch... làm tăng thêm giá trị sử dụng đất cũng như khai thác vẻ đẹp về cảnh quan của một đô thị phát triển. Đặc biệt là vẻ đẹp về đêm nhìn từ các công trình điểm nhấn, nhìn từ view sông vào”. (THS-KIẾN TRÚC SƯ HOÀNG HUY THỊNH) |
PHƯƠNG LÊ (lược ghi)