Công tác phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn heo: Vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập
Ngày 8-3, Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành 2 cuộc họp khẩn cấp tại 2 địa phương phát hiện có dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên heo là phường Vĩnh Phú và xã Bình Nhâm, TX.Thuận An. Các cuộc họp này nhằm bàn biện pháp khoanh vùng dập dịch, không để dịch bệnh LMLM trên đàn heo lan rộng. Tuy nhiên, những diễn biến trước đó tại các ổ dịch ở khu phố Hòa Long, phường Vĩnh Phú và ấp Bình Hòa, xã Bình Nhâm đã làm cho công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn!
Người dân bán tháo heo bệnh
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong 2 ngày 7 và 8-3, Đoàn kiểm tra thuộc Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành kiểm tra tình hình dịch bệnh LMLM trên heo tại phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An. Ông Trương Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết tại Vĩnh Phú đã ghi nhận được 10 hộ có heo mắc bệnh LMLM. Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra bất ngờ khi được các chủ chăn nuôi cho biết đã bán heo ra thị trường khi thấy có dấu hiệu bệnh. Cụ thể, bà Quách Hồng Thanh (khu phố Hòa Long, phường Vĩnh Phú) đã bán tổng cộng hơn 20 con heo bệnh. Bà Thanh cho biết, trước đó khoảng 10 ngày phát hiện đàn heo có dấu hiệu bệnh, bà đã nhanh chóng báo với ngành chức năng ở địa phương, tuy nhiên bà không nhận được phản hồi nào về cách phòng chống dịch nên mới bán heo bệnh ra thị trường. “Tôi có kêu bác sĩ thú y đến chữa trị nhưng sau đó heo vẫn lăn ra chết, hoảng quá tôi kêu thương lái “bán chạy” cả đàn để thu lại tiền cám, vậy mà lỗ khoảng 35 triệu đồng...” - bà Thanh vô tư kể.
Cán bộ ngành thú y tìm hiểu, hỗ trợ bà con cách phòng chống dịch LMLM
Cách đó vài chục mét, hộ ông Nguyễn Văn Thê cũng có 3 con mắc bệnh lăn ra chết. Còn tại hộ bà Lê Thanh Tuyền cũng vừa bán 19 heo con thịt, 11 heo nái. Hiện tại hộ này chỉ còn nuôi duy nhất 1 con heo nái chờ qua dịch mới phát triển đàn trở lại. Cá biệt tại hộ của ông Nguyễn Văn Lắc, ngụ cùng khu phố do không được địa phương và thú y cơ sở hướng dẫn nên đoàn đã phát hiện tại vườn cây nhà ông có 6 con heo (trọng lượng 20 - 30kg/con) đang thả rong, trong đó có 3 con mắc bệnh LMLM. Theo ông Lắc, trước đó ông đã bán 10 con heo. Trong ngày 7-3, đoàn đã lập biên bản yêu cầu Trạm Thú y TX.Thuận An phối hợp UBND phường Vĩnh Phú khẩn trương đưa đi tiêu hủy số heo bệnh, đồng thời thực hiện khẩn cấp các biện pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng trong khu vực nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.
Lúng túng khi có dịch
Ông Dương So Ho, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An, cho biết toàn xã hiện có 91 hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ với tổng đàn ước tính trên 1.000 con, riêng tại địa bàn khu phố Hòa Long hiện có 31 hộ chăn nuôi với tổng đàn khoảng 250 con. Giải thích nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ thông báo tình hình dịch bệnh tại địa phương, ông Ho cho rằng do ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân kém, nhiều trường hợp các hộ chăn nuôi giấu thông tin heo bệnh, hơn hết trình độ của đội ngũ cán bộ thú y cơ sở còn nhiều hạn chế trong việc chẩn đoán bệnh. Ông Ho nói: “Ngày 28-2 vừa qua, ngay sau khi phát hiện vài trường hợp heo mắc bệnh, phường đã tổ chức cho cán bộ thú y cơ sở tổ chức kiểm tra tình hình dịch bệnh, đồng thời tiến hành phun xịt cũng như cấp phát hóa chất miễn phí cho bà con phun tiêu độc, khử trùng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không biết được heo mắc bệnh gì?”.
Giải thích sự chậm trễ trong phát hiện dịch bệnh, ông Trương Văn Đức cho biết đến thời điểm kiểm tra, phía Chi cục Thú y tỉnh vẫn chưa nhận được bất cứ báo cáo nào từ thú y cơ sở, UBND phường liên quan đến tình hình dịch bệnh xảy ra tại địa phương. Đây là nguyên nhân khiến công tác phòng chống dịch gặp khó khăn. Theo ông Đức, đối với các trường hợp heo mắc bệnh LMLM, hiện nay có những diễn biến về bệnh tích khác so với trước cũng gây khó khăn trong công tác chẩn đoán. “Cụ thể, nếu trước đây khi heo mắc bệnh thường thấy các bệnh tích phổ biến như sứt móng, chảy máu, miệng nổi nhiều bong bóng nước thì hiện tại qua kiểm tra trường hợp 6 con heo mắc bệnh thì chỉ có 3 con có các biểu hiện của bệnh tích, còn lại những con khác rất bình thuờng, hầu hết heo mắc bệnh chết là do suy tim...”, ông Đức nói. Kiểm tra cũng cho thấy, tất cả các hộ dân đều chưa tổ chức tiêm vắc-xin bệnh LMLM cho đàn heo nuôi. Ngoài ra, cũng theo ông Đức tình trạng người dân tự mua vắc-xin trôi nổi trên thị trường cũng là nguyên nhân dẫn đến hậu quả “tiền mất tật mang” vì loại thuốc sử dụng không phù hợp với tuýp bệnh của heo trong vùng.
Khó vẫn phải làm triệt để
Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh trên đàn heo ở 2 địa phương trên, Chi cục Thú y tỉnh đã tích cực xuống hiện trường trực tiếp chỉ đạo việc khoanh vùng và thực hiện khẩn cấp các biện pháp phòng chống, không để dịch bệnh lây lan. Ông Lê Thành Tân, cán bộ thú y xã Bình Nhâm, cho biết trong ngày 8-3, ngành thú y đã tiêm gần 1.000 mũi vắc-xin để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trong vài ngày tới, cán bộ thú y cơ sở ở Bình Nhâm và Vĩnh Phú đồng loạt tổ chức tiêm vắc-xin cho tổng đàn heo trên địa bàn. Theo một cán bộ thú y TX.Thuận An, hiện việc tiêu hủy tại chỗ cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu các phương tiện và hóa chất cần thiết. Còn việc thuê xe di chuyển heo bệnh đi tiêu hủy thì cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, ngành thú y cho biết sẽ hỗ trợ bà con chăn nuôi tháo gỡ khó khăn và tiêu hủy số heo bệnh để dập dịch triệt để.
Ông Trần Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nhâm, cho biết đến chiều 8-3 toàn xã chỉ có hộ ông Nguyễn Văn Bảy, ngụ ấp Bình Hòa có 71 con heo bị dịch LMLM, trong đó có 1 con heo nái và 70 con heo con. Sau buổi làm việc này, đoàn sẽ bàn kế hoạch với địa phương về giải pháp khoanh vùng ổ dịch này, tiêm vắc-xin cho đàn heo tại khu vực có heo bị LMLM; đồng thời tiếp tục theo dõi đàn heo trên địa bàn xã, khuyến khích người dân phát hiện sớm, kịp thời báo cáo với thú y địa phương để có kế hoạch phòng ngừa chung cho đàn heo chăn nuôi trên địa bàn. Hiện nay, Chi cục Thú y tỉnh đang khẩn trương phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên gia súc TX. Thuận An để bàn kế hoạch công bố dịch nhằm thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống và chính sách hỗ trợ người chăn nuôi có heo bệnh bị tiêu hủy.
Dầu Tiếng tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh LMLM trên gia súc
Trước tình hình dịch bệnh LMLM đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng Nguyễn Phương Linh vừa ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 3-3-2011 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc. Theo đó, UBND huyện Dầu Tiếng yêu cầu ngành thú y huyện tăng cường giám sát dịch bệnh, cấp phát hóa chất tiệt trùng tiêu độc cho các trang trại chăn nuôi gia súc tập trung và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; tăng cường hoạt động của cán bộ 2 chốt kiểm dịch cầu Tàu và cầu Bến Súc nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vận chuyển thịt gia súc không qua kiểm dịch của ngành chức năng, bảo đảm 100% quân số trực 24/24 giờ tại 2 chốt kiểm dịch nói trên; đẩy mạnh công tác kiểm soát giết mổ động vật tại các lò giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các quầy sạp ở các chợ; chủ động chuẩn bị vắc-xin, kinh phí, trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng chống dịch bệnh; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người chăn nuôi nâng cao ý thức tự giác phòng chống dịch bệnh...
HOÀNG PHONG
M.DUY - H.VĂN