Công tác gia đình được quan tâm
(BDO) Tại hội thảo về công tác phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) và sơ kết đề án tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình (GĐ) Việt Nam giai đoạn 2011-2015 của các tỉnh, thành phía Nam, Bình Dương là một trong những đơn vị được đánh giá cao về công tác GĐ. Số vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) giảm, công tác GĐ được quan tâm từ cấp tỉnh đến xã, phường…
Trao bằng khen UBND tỉnh cho các cá nhân, đơn vị làm tốt các chương trình, đề án về công tác gia đình
Theo ông Lê Thế Hùng, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống - Văn hóa gia đình trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì công tác GĐ được các cấp lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo kịp thời. Công tác tuyên truyền, vận động ngày càng sâu rộng nên nhận thức của người dân cũng được nâng cao hơn từ đó có trách nhiệm, vai trò trong xây dựng GĐ ấm no, bền vững. Để cụ thể hóa nhiệm vụ và thực hiện các chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển GĐ Việt Nam, ngày 2-4-2013, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 789/QĐ-UBND triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển GĐ Việt Nam tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Triển khai Kế hoạch số 4003/KH-UBND ngày 25-12-2013 thực hiện công tác GĐ trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2014 và những năm tiếp theo. Qua đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với công tác GĐ, xác định công tác GĐ là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Đưa các chỉ tiêu xây dựng, phát triển GĐ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị. Hàng năm, Phòng Văn hóa và Thông tin 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham mưu UBND cùng cấp ban hành các kế hoạch thực hiện công tác GĐ, kế hoạch triển khai các mô hình, đề án về công tác GĐ hướng dẫn công tác GĐ cho cơ sở thực hiện, cuối năm tổ chức sơ kết, báo cáo đánh giá tình hình, khó khăn vướng mắc trong năm.
Trong những năm qua, tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch tổ chức, triển khai các giải pháp can thiệp PCBLGĐ, nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng BLGĐ trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ PCBLGĐ, bao gồm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác tuyên truyền; công tác tổ chức bộ máy; công tác kiểm tra giám sát; đặc biệt là việc đầu tư nguồn lực kinh phí cho hoạt động GĐ và PCBLGĐ trên địa bàn.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 52/QĐ-UBND ngày 7-1-2011 phê duyệt Kế hoạch hành động PCBLGĐ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào kế hoạch của tỉnh xây dựng kế hoạch của địa phương, lựa chọn địa bàn các xã, phường, thị trấn thường xuyên xảy ra tình trạng BLGĐ hoặc có nguy cơ xảy ra BLGĐ để triển khai thực hiện, thành lập Ban chỉ đạo cấp xã, câu lạc bộ BLGĐ phát triển bền vững, nhóm PCBLGĐ và củng cố lại tổ hòa giải cơ sở tại các khu phố, ấp. Tổ chức tập huấn triển khai Luật Phòng, chống BLGĐ và các luật liên quan (Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới); hướng dẫn quy trình tổ chức xây dựng, quản lý và điều hành sinh hoạt câu lạc bộ GĐ phát triển bền vững, hoạt động của nhóm phòng, chống bạo lực GĐ và tổ hòa giải tại cơ sở; hướng dẫn cập nhật các loại sổ theo dõi hoạt động của câu lạc bộ.
Từ những cố gắng này, tính từ năm 2008 đến năm 2015, toàn tỉnh đã triển khai được 56 xã, phường, thị trấn/9 huyện, thị xã, thành phố với 309 câu lạc bộ GĐ phát triển bền vững, 309 nhóm phòng, chống BLGĐ và củng cố 309 tổ hòa giải tại cơ sở. Hoạt động của mô hình trong những năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của việc triển khai mô hình PCBLGĐ, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác GĐ... Đồng thời, qua việc sinh hoạt CLB định kỳ, các thành viên CLB có cơ hội trao đổi kinh nghiệm giữ gìn hạnh phúc GĐ, cách ứng xử giữa các thành viên GĐ, kinh nghiệm trong lao động, vay vốn tăng gia sản xuất cải thiện kinh tế, không để xảy ra tình trạng BLGĐ.
Về mô hình “Củng cố GĐ văn hóa giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Đề án “Tuyên truyền giáo dục, đạo đức lối sống trong GĐ Việt Nam” đã và đang được tỉnh tích cực triển khai nhân rộng. Tính đến năm 2015, toàn tỉnh đã có 146 khu phố, ấp của 23 xã, phường, thị trấn triển khai Mô hình củng cố; 151 khu, ấp của 23 xã, phường, thị trấn triển khai Đề án tuyên truyền. Việc triển khai mô hình, đề án đã góp phần nâng cao tỷ lệ hộ GĐ đạt tiêu chuẩn văn hóa, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thông qua hoạt động, đã tạo điều kiện để các thành viên và mọi người thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình: Hiểu biết hơn về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và Gia đình; giáo dục, đạo đức lối sống trong GĐ, góp phần hạn chế bạo lực xảy ra trong GĐ mình. Chị em phụ nữ có thêm kiến thức về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, các kỹ năng xây dựng và giữ gìn hạnh phúc GĐ.
Cũng theo ông Lê Thế Hùng, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn triển khai các hoạt động của mô hình, đề án, tạo điều kiện các thành viên trong Ban quản lý cấp xã và cấp ấp nâng cao kiến thức, năng lực tổ chức sinh hoạt, tổ chức triển khai các hoạt động của mô hình, đề án có hiệu quả, nâng cao nhận thức của các GĐ và cộng đồng về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao chất lượng việc xây dựng GĐ văn hóa trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh hội nhập, phát triển kinh tế thị trường, tích cực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng GĐ văn hóa đã được đề ra trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển GĐ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 tỉnh Bình Dương.
QUỲNH NHƯ