Công nhận phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo EVIPA
(BDO)
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội. (Nguồn: TTXVN)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 18/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) với 95,03% đại biểu tán thành.
Nghị quyết này quy định việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết chung thẩm về nghĩa vụ tài chính do cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư ban hành theo quy định tại Mục B Chương 3 của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu được ký ngày 30/6/2019 tại Việt Nam.
Phán quyết được ban hành trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc trong một thời gian dài hơn theo quyết định của Ủy ban thành lập theo Điều 4.1 của Hiệp định đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được coi như phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài phù hợp với Công ước về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài, làm tại New York, ngày 10/6/1958 để xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận Phán quyết đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phán quyết được ban hành sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam.
Tòa án Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận, cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu.
Kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, Phán quyết được ban hành đối với bị đơn là Liên minh châu Âu hoặc nước thành viên Liên minh châu Âu được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án Việt Nam.
Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận, cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực.
Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định EVIPA, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết đa số ý kiến tán thành việc Nghị quyết chỉ quy định về nguyên tắc việc công nhận phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA và việc áp dụng pháp luật; có ý kiến đề nghị làm rõ vấn đề “công nhận” theo dự thảo Nghị quyết có cần làm thủ tục nào hay không; có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết như: thủ tục nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ; cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ; thẩm quyền của tòa án...
Về ý kiến đề nghị thu phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy theo quy định của Luật Phí và lệ phí, việc quy định về án phí, lệ phí Tòa án thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hiện tại, mức thu, việc thu, nộp, quản lý, miễn, giảm án phí, lệ phí tòa án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể, trong đó có khoản thu phí xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc có áp dụng chính sách thu phí, lệ phí đối với việc công nhận và cho thi hành phán quyết theo Hiệp định EVIPA hay không cần được cân nhắc trong quá trình thi hành Hiệp định, trên nguyên tắc có đi có lại đối với các quốc gia tham gia Hiệp định. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định vấn đề này vào dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị xem xét nội dung quy định việc giao trách nhiệm cho Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các cơ quan hữu quan trong việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện Nghị quyết, tránh trùng lặp với quy định của Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVIPA.
Tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 3 dự thảo Nghị quyết theo hướng: bỏ nội dung quy định về việc Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản để bảo đảm thực hiện Nghị quyết này và các cam kết có liên quan của Việt Nam theo quy định của Hiệp định. Đồng thời, quy định rõ nhiệm vụ của Tòa án Nhân dân Tối cao trong việc hướng dẫn thi hành khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị quyết này./.
Theo TTXVN