Công nhân ngành dệt may thi đua lao động

Thứ ba, ngày 03/07/2018

(BDO) Trên tinh thần thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, Công đoàn ngành Dệt may đã tổ chức nhiều hoạt động thi đua, thu hút đông đảo công nhân lao động (CNLĐ) tham gia. Từ đó đã xuất hin nhiều sáng kiến tiêu biểu góp phần giúp doanh nghiệp tiết kim chi phí, vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất.


Ông Đặng Thanh Vân, Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may trao giấy khen cho CNLĐ giỏi, sáng tạo của ngành.
Ảnh: K.HÀ

 Những sáng kiến đáng ghi nhận

Thời gian qua, Công đoàn ngành Dệt may thường xuyên phát động các phong trào thi đua yêu nước và được các cấp công đoàn tích cực hưởng ứng. Đặc biệt phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong CNLĐ đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ động viên CNLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất mà còn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để tham gia hội nhập khu vực và quốc tế. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc tiêu biểu cho ý chí vươn lên của CNLĐ. Nhiều đề tài, sáng kiến được ứng dụng vào quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giúp tiết kiệm chi phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Tiêu biểu là anh Phạm Đăng Khoa, công nhân Công ty TNHH Ky Vina với những sáng kiến như: Thiết kế cửa cổng tự động, thiết kế phòng làm việc đa năng và thiết kế các bộ giá treo quần áo cơ động. Từ các phòng làm việc đa năng như phòng kiểm hàng, phòng nhập hàng, xuất hàng… với chức năng có thể thay đổi lắp ráp cơ động, có thể sáp nhập thành một phòng lớn tiện nghi hoặc có thể chia ra thành nhiều phòng nhỏ trong cùng một thời gian cho khách hàng có nhu cầu khác nhau. Với vật liệu mỏng, nhẹ, trang nhã nhưng không thay đổi kết cấu công trình đã tiết kiệm chi phí cho công ty. Hay thiết kế các bộ giá treo quần áo cơ động, với sáng kiến này, anh Khoa giúp công ty giảm chi phí nhân công, rút ngắn thời gian làm việc khi di chuyển bộ giá treo khắp nhà máy và có thể treo quần áo với số lượng lớn. Hay như anh Nguyễn Thanh Phong, công nhân Công ty TNHH Sài Gòn May mặc xuất khẩu với sáng kiến băng chuyền hàng hóa. Anh Phong đã mày mò, sáng tạo và mạnh dạn đề xuất công ty đưa vào sử dụng băng chuyền trong quá trình vận chuyển hàng hóa ở kho nguyên liệu, thành phẩm. Từ sáng kiến này, anh đã giúp công ty giảm hao phí sức lao động, làm cho quá trình vận chuyển hàng hóa được duy trì thông suốt, đều đặn, nhanh chóng, thuận lợi và mang lại hiệu quả cao.

Ngoài các sáng kiến trên, còn phải kể đến anh Nguyễn Ánh Dương, công nhân Công ty TNHH K.J Vina với sáng kiến thắt nút dây viền tự động. Xuất phát từ thực tế sản xuất khi công nhân thắt nút dây viền phải làm thủ công bằng tay hoặc dùng kim khâu rất tốn thời gian, công sức nên anh Dương đã cải tiến máy may thành máy thắt nút đầu dây tự động. Sáng kiến được đưa vào ứng dụng, anh Dương đã giúp công ty giảm chi phí cho nhân lực, tiết kiệm thời gian và đẩy nhanh quá trình sản xuất. Cùng với anh Dương, anh Nguyễn Đức Hạnh, Công ty TNHH K.J Vina đã chế tạo ra dụng cụ xả dây viền, dùng mô tơ quạt máy chế ra động cơ xả dây viền từ một cuộn lộn xộn, gấp khúc trở thành 1 dây thẳng, gọn gàng giúp cho công nhân dễ dàng may vào sản phẩm, tiết kiệm thời gian, nhân lực cho công ty. Hay như anh Nguyễn Văn An, công nhân Doanh nghiệp tư nhân may Quốc tế có sáng kiến nghiên cứu và thực hiện thành công máy ép chỉ. Trước đây, bộ phận ép chỉ sử dụng khuôn gỗ thủ công ép bằng tay, dùng sức người nên hiệu quả đem lại không cao. Anh An đã nghiên cứu cải tiến công nghệ, sử dụng máy ép giúp tăng năng suất gấp 5 lần, tiết kiệm chi phí, giảm tiêu hao nguyên vật liệu.

Khơi dậy tinh thần sáng tạo

Để phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” ngày càng đi vào thực chất, thu hút đông đảo CNLĐ tham gia, Công đoàn ngành Dệt may đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia phong trào tùy vào tình hình thực tế của đơn vị, qua đó tạo không khí thi đua sôi nổi, phấn khởi trong CNLĐ. Qua phát động phong trào, những doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước không chỉ là những đơn vị tham gia tích cực mà còn động viên CNLĐ phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Để động viên tinh thần sáng tạo của CNLĐ, trong đợt tuyên dương này, Công đoàn ngành Dệt may đã trao tặng 80 giấy khen cho CNLĐ tiêu biểu. Ngoài ra, Ban Giám đốc các công ty cũng trao những phần thưởng hết sức có ý nghĩa cho công nhân có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào thực tế sản xuất.

Phát biểu tại hội nghị tuyên dương CNLĐ giỏi, sáng tạo, ông Đặng Thanh Vân, Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may khẳng định: “Thời gian qua, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của ngành đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiết kiệm chi phí, thúc đẩy sản xuất, góp phần cùng cộng đồng các doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phong trào thi đua đã giúp CNLĐ phát huy tính sáng tạo, vững về chính trị, tư tưởng, mạnh về tổ chức để tiếp tục nâng cao trình độ, tay nghề, khả năng tiếp cận công nghệ mới, đưa tổ chức công đoàn phát triển ngày càng lớn mạnh hơn”.

 KIM HÀ