Công nghiệp tiếp tục bứt phá mạnh mẽ- Bài 2

Thứ ba, ngày 06/10/2020

(BDO) Bài 2: “Dọn đường” đón doanh nghiệp

Bình Dương thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án có trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại, đặc biệt là các dự án lớn nhằm phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ chất lượng cao. Ảnh: XUÂN THI

Phát triển theo chiều sâu

Xác định công nghiệp là trọng tâm, vì thế trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên để chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp. Kết quả, Bình Dương trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, góp phần tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao hơn bình quân chung. Trong 5 năm qua, để tạo đột phá, Bình Dương luôn nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cạnh tranh minh bạch, bình đẳng hơn, tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển.

Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, Bình Dương đang sở hữu kết cấu hạ tầng đồng bộ, đa dạng, hiện đại ở nhiều loại hình; liên tiếp nằm trong những địa phương dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính (Par Index), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhiều chỉ số khác… Cùng với đó là những cách thu hút đầu tư phù hợp, có chọn lọc, đúng định hướng, các KCN của tỉnh đang tích cực “dọn đường” đón doanh nghiệp (DN) đến đầu tư với nhiều điểm cộng hấp dẫn. Trong giai đoạn tới, công tác thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh sẽ có sự chuyển biến tích cực, thực chất, chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và tạo sức hút mới.

 Nhiệm kỳ 2015-2020, Bình Dương đã từng bước chọn lọc và tập trung kêu gọi phát triển những dự án đầu tư có trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại, đặc biệt là các dự án lớn nhằm phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ chất lượng cao. Hầu hết vốn đầu tư trong nước lẫn vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua đổ vào Bình Dương đều tập trung ở lĩnh vực công nghiệp. Điều này cho thấy sức phát triển nhanh, mạnh mẽ của ngành mũi nhọn này. Nhờ đó, ngành công nghiệp của tỉnh có điều kiện phát triển theo chiều sâu, tạo động lực cho đô thị, dịch vụ - thương mại trên địa bàn cùng phát triển.

Hiện các KCN của tỉnh hoạt động hiệu quả với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%. Các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao được quan tâm phát triển. Trình độ công nghệ sản xuất ở các DN ngày càng chuyển biến theo hướng hiện đại. Các DN trong tỉnh đang từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng sản phẩm của toàn cầu và được đối tác nước ngoài đánh giá cao.

Bình Dương đã tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển các khu, cụm công nghiệp nhằm kết nối giao thông liên vùng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN trong và ngoài nước. Nhờ đó, tỉnh đã thu hút được các dự án lớn, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh và quy hoạch phát triển công nghiệp của địa phương, phát triển một số ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, như công nghiệp chế biến, chế tạo... đã đưa công nghiệp của tỉnh bứt phá, tạo tiền đề cho thương mại, dịch vụ và đô thị phát triển theo.

Hướng đến công nghiệp chất lượng cao

Phát triển công nghiệp đã trở thành động lực để Bình Dương duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm luôn trên 9%. Giai đoạn 2015-2020, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh chóng theo hướng công nghiệp - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế; phát triển theo kế hoạch, quy hoạch cụ thể và bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu tăng trưởng. Để công nghiệp phát triển căn cơ theo hướng nhanh và bền vững, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp: Đổi mới thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và phát triển công nghiệp sạch để tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Thực tế, các dự án được cấp mới vào tỉnh thời gian qua hầu hết đều sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, thuộc những ngành nghề, lĩnh vực được tỉnh ưu tiên phát triển. Các DN trên địa bàn tỉnh cũng từng bước chuyển đổi công nghệ, nâng cao công suất, hạ giá thành sản phẩm. Điều này đã giúp cho công nghiệp của tỉnh từng bước đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định, nâng cao khả năng cạnh tranh và đang chuyển dịch về cơ cấu theo đúng định hướng nghị quyết.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Becamex IDC, chia sẻ trong thu hút đầu tư vào tỉnh những năm gần đây, Bình Dương đã có sự chọn lọc nên có nhiều dự án công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, là lĩnh vực mà cả nước đang cần. Bình Dương định hướng thu hút các ngành nghề khoa học kỹ thuật, mang lại giá trị thặng dư cao. Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao sẽ có tác động lan tỏa đến hầu hết các ngành công nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng cao cho các ngành kinh tế trong cả vùng.

Bình Dương đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu về phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Công nghiệp tiếp tục là ngành phát triển chính của tỉnh, trong giai đoạn tới, thu hút đầu tư của tỉnh sẽ có chọn lọc kỹ để có được những dự án công nghệ cao, sử dụng ít lao động, có giá trị gia tăng cao. Hiện các KCN trong tỉnh đang hướng đến thu hút đầu tư theo chiều sâu, phát triển bền vững. Thời gian tới, tỉnh ưu tiên những DN có công nghệ sản xuất hiện đại, giá trị gia tăng cao; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; hạn chế các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.

 Để ngành công nghiệp của tỉnh phát triển căn cơ theo hướng nhanh và bền vững, hiện tỉnh đang tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng thành phố thông minh với các định hướng phát triển chủ yếu như thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; đổi mới công nghệ hiện đại, tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của DN để tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung thu hút vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; nghiên cứu hình thành KCN - đô thị khoa học công nghệ; tiếp tục chuyển đổi công năng, di dời các DN vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh...

NGỌC THANH