Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển:

Công nghiệp phụ trợ phải lĩnh ấn tiên phong

Thứ hai, ngày 12/02/2018

(BDO) Năm 2017, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) của Bình Dương tăng 9,15% (kế hoạch 8,3%). Nhiều chỉ tiêu như xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài… đều tăng và vượt xa kế hoạch đề ra. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, để bảo đảm cho Bình Dương phát triển bền vững, công nghiệp phụ trợ (CNPT) cần đảm nhận vai trò tiên phong. Ông Hiển cho biết:

- Không phải ngẫu nhiên mà Bình Dương trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều nhà đầu tư. Ngoài yếu tố thuận lợi là nằm cận kề TP.Hồ Chí Minh và trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nếu không có sự quyết tâm và nhìn ra thời cơ lớn thì tôi chắc rằng Bình Dương sẽ bỏ qua cơ hội rất tốt để rút ngắn khoảng cách với TP.Hồ Chí Minh.

- Bình Dương đang là nơi dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài đổ về. Theo ông, đâu là sự hấp dẫn của Bình Dương?

- Thật ngạc nhiên, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2017 Bình Dương đã thu hút gần 1,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, vượt 106,5% kế hoạch năm. Tổng số vốn đầu tư nước ngoài thu hút được khoảng 2,557 tỷ USD trong năm 2017, như vậy Bình Dương đã vượt gần gấp đôi kế hoạch đã đề ra. Tính đến năm 2017, Bình Dương đã thu hút 28,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, đứng thứ 2 cả nước sau TP.Hồ Chí Minh về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, một kỳ tích đáng nể.

Sau thời gian dài mở rộng cửa đón nhà đầu tư, Bình Dương bắt đầu thu hút các dự án có chọn lọc nhiều hơn. Việc ưu tiên thu hút các dự án phát triển công nghiệp công nghệ cao, CNPT, công nghiệp thân thiện với môi trường cho thấy Bình Dương đã tính toán lâu dài cho sự phát triển ổn định và bền vững. Tôi cho rằng, việc thực hiện cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân cả về số lượng và chất lượng Bình Dương đang làm rất tốt. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học - công nghệ; hỗ trợ kết nối giữa các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, hợp tác sản xuất, kinh doanh  theo hướng chuỗi giá trị… cho thấy Bình Dương quan tâm đến tất cả thành phần kinh tế của địa phương. Điều này giúp tỉnh huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển, giúp Bình Dương có thể trở thành nơi lý tưởng cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp.


Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, để kinh tế Bình Dương phát triển bền vững, công nghiệp phụ trợ phải lĩnh ấn tiên phong.
Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Punch Industry Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước III, TX.Bến Cát). Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

- Thưa ông, Bình Dương sẽ phải làm gì để tiếp tục đưa cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh?

- Tôi cho rằng, Bình Dương là địa phương rất năng động, sáng tạo. Nay lại có thêm chủ trương quốc gia khởi nghiệp của Thủ tướng Chính phủ, càng làm cho Bình Dương có thêm nhiều động lực. Theo tôi, Bình Dương cần đưa ra nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện được mục tiêu trên, như giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, về nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi...

Mục tiêu của Bình Dương là đưa kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp đến năm 2020 tăng gấp trên 2 lần so với năm 2016, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa trung bình đạt 15%/năm đang nằm trong khả năng của tỉnh nhà. Điều cần quan tâm chính là phải nâng tầm doanh nghiệp lên một tầm cao mới, tạo ra nhiều thương hiệu, công ty tầm cỡ quốc gia và nỗ lực tạo ra nhiều doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở một số khâu có giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh hơn nữa và quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực thương mại điện tử. Việt Nam hiện nay đứng thứ 15 thế giới về tỷ lệ người sử dụng internet, tương đương 53% dân số, trong đó internet băng rộng chiếm 40% và số người sử dụng smartphone lên đến gần 50 triệu thuê bao. Đây là nền tảng quan trọng cho sự bùng nổ của thanh toán điện tử và thanh toán qua mobile trong thời gian tới. Bình Dương nên tận dụng tối đa thời cơ để đưa hoạt động thương mại điện tử làm động lực cho doanh nghiệp phát triển.

- CNPT rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông, Bình Dương nên làm gì để phát triển CNPT?

- Tôi cho rằng, Bình Dương nên miễn hoặc giảm đến mức thấp nhất tiền thuê đất, chấp nhận giảm thu ngân sách đối với các doanh nghiệp CNPT, coi đó là khoản nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai. Bình Dương cần hình thành một quỹ hỗ trợ CNPT với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước và của chính những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm có liên quan đến các ngành CNPT, coi đó là trách nhiệm hỗ trợ, tạo dựng ban đầu của Nhà nước đối với ngành CNPT. Nguồn vốn này phải được tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có thể tiếp cận và giải ngân nhanh chóng, giảm thiểu phiền hà khi doanh nghiệp vay vốn.

Cùng với đó, Bình Dương nên quan tâm nâng cao năng lực tổ chức, quản lý và đầu tư phát triển công nghệ, kết nối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp nội địa; tận dụng cơ hội từ những dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNPT thông qua liên doanh, hợp tác để tiếp cận chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài...

Có thể nói, CNPT đang thành vấn đề cốt lõi của các quốc gia đang tiến hành công nghiệp hóa. Vai trò của CNPT có ảnh hưởng tới phạm vi toàn cầu. Bình Dương nên xem CNPT là mũi nhọn kinh tế đột phá để đưa CNPT giữ vai trò tiên phong cho giai đoạn phát triển công nghiệp mới của tỉnh nhà.

PHÙNG HIẾU (thực hiện)