Công nghiệp phụ trợ hút vốn ngoại
Bình Dương liên tục thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ (CNPT). Qua đó, Bình Dương không chỉ đạt được những mục tiêu đề ra mà còn thúc đẩy sản xuất công nghiệp, xuất khẩu…, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng hàng hóa lớn trong nước, khu vực và trên thế giới.
(BDO)
Thu hút nhiều nhà đầu tư
Tại Bình Dương, CNPT bắt đầu phát triển nhanh từ năm 2005. Riêng CNPT ngành dệt may, da giày, cơ khí, điện - điện tử, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh về số lượng doanh nghiệp (DN), giá trị sản xuất, doanh thu... và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển ngành công nghiệp chế biến của tỉnh. Hiện nay, Bình Dương đã hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày, cơ khí, điện - điện tử. Bình Dương cũng đã phát triển riêng một khu công nghiệp tại huyện Bàu Bàng rộng 300 ha chuyên về lĩnh vực CNPT để tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Nhờ có sự chủ động trong việc thu hút phát triển CNPT nên Bình Dương được xem là một trong những địa phương hấp dẫn đối với nhà đầu tư khi đến Việt Nam làm ăn. Ngành CNPT đang tạo tiềm năng và lợi thế lớn để DN của Bình Dương và vùng phụ cận chủ động giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Với lợi thế 28 khu công nghiệp và hàng trăm DN sản xuất hàng hóa lớn, Bình Dương trở thành một trong những trung tâm thu hút vốn FDI vào CNPT lớn nhất nước.
Năm 2017, trong số hơn 2,7 tỷ USD vốn FDI vào Bình Dương, phần lớn rót vào lĩnh vực CNPT; trong đó có nhiều dự án có quy mô vốn lớn mới được cấp phép hoặc tăng vốn đầu tư hoạt động trong những lĩnh vực được tỉnh khuyến khích đầu tư, đặc biệt là ngành CNPT. Điển hình như dự án của Công ty TNHH Sewoon Medical Vina (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II-A có vốn đầu tư tăng thêm 33,9 triệu USD, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, chuyên sản xuất thiết bị y tế. Bên cạnh đó làdự án của Công ty Cổ phần Tetra Park Bình Dương có vốn đầu tư đăng ký 124 triệu USD tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II-A, chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm…
Trong các dự án FDI mới được Bình Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư, đáng chú ý là Dự án sản xuất sợi lốp KVT- 1 của Công ty TNHH Công nghiệp Kolon Bình Dương (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp - đô thịBàu Bàng. Dự án này có vốn đầu tư đăng ký 220 triệu USD, chuyên sản xuất sợi lốp polyester HMLS bằng sợi có độ bền cao để làm vật liệu gia cố cho lốp xe ô tô. Hay như dự án khu sản xuất Đài Loan với DN chủ lực là Công ty DDK Việt Nam, chuyên sản xuất phụ kiện xe đạp có quy mô lên đến 250 triệu USD, cũng là điểm sáng đáng kể trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNPT của Bình Dương…
Hiệu quả bước đầu
Hàng tỷ USD đã được rót vốn vào lĩnh vực CNPT trong những năm qua đã giúp Bình Dương dần hoàn thiện bản đồ phát triển công nghiệp với đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Ngoài ra, sự đa dạng của CNPT đã khiến cho nhà đầu tư an tâm hơn khi tìm hiểu môi trường đầu tư tại Bình Dương. Ông Park Noh Wan, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, nhiều tập đoàn, nhà đầu tư Hàn Quốc đến tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh Bình Dương và đã đầu tư nhiều dự án mới cũng như tăng vốn đầu tư cho nhiều dự án. Đáng chú ý, các nhà đầu tư Hàn Quốc liên tục đầu tư mới và tăng vốn tại tỉnh, trong đó có một số dự án lớn như: Công ty TNHH Lumens Vina, sản xuất và gia công các loại đèn LED Blue dùng trong tivi, máy tính, monitor, ứng dụng điện với vốn đầu tư 30 triệu USD; Công ty TNHH SGX sản xuất thử nghiệm và xuất khẩu giày với vốn đầu tư 12 triệu USD... Đây đều là những công ty trong ngành CNPT.
Hiện nay, với sự đầu tư mạnh mẽ từ các DN FDI vào CNPT, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, với ngành giày da, trước đây việc sản xuất đế giày cũng như nơ, ren, cườm móc đều phải nhập khẩu thì hiện nay, ngành CNPT tại tỉnh đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu. Với ngành dệt may, trước đây nguyên liệu vải các DN trong tỉnh phải nhập khẩu mạnh thì hiện nay đã đủ năng lực cung cấp, kể cả các loại nguyên liệu chất lượng cao. Còn đối với ngành gỗ, những ốc, vít, bản lề, sơn… đều được các DN trong nước sản xuất. Riêng ngành điện tử, linh kiện và phụ tùng ô tô…, sự đầu tư mạnh từ các tập đoàn kỹ thuật cao của Nhật Bản, Hàn Quốc gần đây đã nâng cao giá trị và cải thiện tỷ trọng trong xuất khẩu của Bình Dương.
Một ghi nhận nữa là sự phát triển nhanh của CNPT đã phát huy hiệu quảtrong sản xuất công nghiệp, nhất là góp phần giảm nhập siêu và gia tăng giá trịhàng hóa cũng như khả năng cạnh tranh cho DN trong nước trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, góp phần vào chỉ số phát triển công nghiệp toàn tỉnh trong năm qua tăng 10,98% so với năm trước. Đây là mức tăng thuộc trong tốp đầu cảnước. Ngoài ra, xuất siêu của tỉnh tăng trưởng ổn định liên tục trong thời gian qua và cũng đứng trong tốp 3 cả nước trong năm 2017. Cũng cần nói thêm, CNPT phát triển mạnh góp phần kéo theo việc thu hút đầu tư thêm nhiều dự án mới.
Khẳng định sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư, nhất là ngành CNPT, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh hỗ trợ cho sự phát triển DN đầu tư trên địa bàn. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, cấp nước, điện, xửl ý môi trường…; quy hoạch mở rộng các khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư, đặc biệt là các ngành công nghiệp quan trọng như CNPT.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển: Bình Dương cần hình thành một quỹ hỗ trợ CNPT
Bình Dương nên giảm đến mức thấp nhất tiền thuê đất, chấp nhận giảm thu ngân sách đối với các doanh nghiệp CNPT, coi đó là khoản nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai. Bình Dương cần hình thành một quỹ hỗ trợ CNPT với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước và của chính những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm có liên quan đến các ngành CNPT, coi đó là trách nhiệm hỗ trợ, tạo dựng ban đầu của Nhà nước đối với ngành CNPT. Nguồn vốn này phải được tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có thể tiếp cận và giải ngân nhanh chóng, giảm thiểu phiền hà khi doanh nghiệp vay vốn.
Cùng với đó, Bình Dương nên quan tâm nâng cao năng lực tổ chức, quản lý và đầu tư phát triển công nghệ, kết nối doanh nghiệp có vốn FDI với doanh nghiệp nội địa; tận dụng cơ hội từ những dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNPT thông qua liên doanh, hợp tác để tiếp cận chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài...
Có thể nói, CNPT đang thành vấn đề cốt lõi của các quốc gia đang tiến hành công nghiệp hóa. Vai trò của CNPT có ảnh hưởng tới phạm vi toàn cầu. Bình Dương nên xem CNPT là mũi nhọn kinh tế đột phá để đưa CNPT giữ vai trò tiên phong cho giai đoạn phát triển công nghiệp mới của tỉnh nhà.
P.HIẾU (ghi)
KHÁNH VINH