Công nghiệp phát triển nhờ thực hiện đúng định hướng

Thứ hai, ngày 27/09/2010

Cùng với các thành tựu kinh tế khác trong giai đoạn 2005-2010, lĩnh vực kinh tế CN của tỉnh tiếp tục khởi sắc với giá trị sản xuất tăng bình quân 20%/năm, gấp 2,5 lần so với năm 2005 và chiếm đến 63% trong cơ cấu kinh tế. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2010 này, giá trị sản xuất CN đạt đến 54.912 tỷ đồng. Bên cạnh giá trị cao, bức tranh CN cũng tươi sáng với các doanh nghiệp (DN) tiếp tục phát triển ổn định. Từ kết quả 7 tháng, UBND tỉnh cho rằng, dự kiến năm 2010 Bình Dương sẽ tiếp tục đạt giá trị sản xuất CN lên đến khoảng 105.000 tỷ đồng, tăng 20,1% so với năm 2009. Đây là kết quả ấn tượng, viết tiếp khúc khải hoàn của năm cuối cùng trong thực hiện kế hoạch phát triển CN 5 năm qua.

  Sản xuất phụ tùng ô tô tại Công ty TNHH DJV

Đúng như định hướng đề ra, trong giai đoạn 2006-2010, CN Bình Dương tiếp tục phát triển ổn định ở các huyện phía Nam và từng bước chuyển dịch lên phía Bắc, tạo nên bức tranh CN phát triển ngày càng hài hòa và phân bổ đồng đều hơn ở địa phương. Đáng chú ý trong giai đoạn này là từ năm 2008-2010, dù gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng sản xuất CN của tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Theo nhận xét chung, để có kết quả này là nhờ nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa VIII với nhiều giải pháp cho ngành CN đã đi vào thực tiễn cuộc sống. Cụ thể, các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển CN, phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN)... đã tạo được những chuyển biến tích cực về thu hút đầu tư, mở ra các ngành sản xuất và sản phẩm mới có trình độ công nghệ cao, làm tăng kim ngạch xuất khẩu...

Song hành cùng CN tăng trưởng với tốc độ cao và toàn diện, thực hiện theo nghị quyết đề ra, lấy yếu tố phát triển CN bền vững làm nền tảng, Bình Dương đã chú trọng phát triển tốt các KCN làm đòn bẩy bằng giải pháp huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh đã có 28 KCN với tổng diện tích gần 9.000 ha (gấp 2,7 lần năm 2005). Hiện có 24 KCN đã đi vào hoạt động với trên 1.200 DN đang hoạt động sản xuất - kinh doanh (gấp 1,8 lần năm 2005); tỷ lệ cho thuê đất bình quân đạt 60%. Cùng với các KCN, Bình Dương cũng đã hình thành 9 CCN với tổng diện tích trên 650 ha; trong đó 3 cụm đã lấp kín diện tích, 5 cụm đang tiếp tục đền bù giải tỏa. Chính những khu, CCN này đã góp phần quan trọng vào thu hút đầu tư, tăng nhanh giá trị sản xuất CN...

Trên lĩnh vực thu hút đầu tư, tiếp tục thực hiện chủ trương “trải thảm đỏ” với hạ tầng CN bài bản, chính sách đầu tư thông thoáng, cơ chế thủ tục nhanh gọn... Bình Dương đã làm hài lòng cả những DN khó tính nhất. Nhờ vậy, đến nay Bình Dương đã thu hút 9.012 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 60.723 tỷ đồng và 1.966 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký gần 13,5 tỷ USD của DN đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nổi bật trong thu hút đầu tư nước ngoài là ngày càng có nhiều dự án lớn về vốn, quy mô đầu tư cũng như thiên về hàm lượng công nghệ cao, sử dụng ít lao động. Việc thu hút đầu tư nước ngoài mạnh là tín hiệu vui vì thành phần kinh tế này góp phần vô cùng quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh nhà cũng như tạo ra giá trị sản xuất CN cao.

Có thể nói, đưa nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh vào thực tiễn, kinh tế của Bình Dương tiếp tục thăng hoa. Kết quả này là thành công tất yếu của sự quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mọi tầng lớp nhân dân... trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa VIII. Từ những kết quả ấn tượng này, chắn chắn sẽ tạo tiền đề bền vững để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương bước vào thực hiện nhiệm vụ mới trong giai đoạn mới.

TRỌNG MINH