Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn
(BDO) Với chủ trương tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ; quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp hiện đại song song với việc thực hiện di dời các doanh nghiệp sản xuất lên phía Bắc, thời gian qua quá trình công nghiệp hóa tại các địa phương phía Bắc của Bình Dương đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này không chỉ giúp phát triển công nghiệp một cách đồng đều, mà còn thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; mở rộng không gian phát triển, giảm tải áp lực cho các đô thị nén phía Nam của tỉnh, bảo đảm cho sự phát triển bền vững.
Không chỉ có những vườn cao su, khu sản xuất nông nghiệp, trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…, thời gian qua những địa phương phía Bắc của tỉnh, bao gồm các huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên đã và đang hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp. Một trong những địa phương tạo được điểm nhấn về phát triển công nghiệp ở phía Bắc của tỉnh là huyện Bàu Bàng. Từ chủ trương đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, phát triển, hình thành các khu công nghiệp (KCN), Bàu Bàng đang dần trở thành một trung tâm công nghiệp - đô thị hiện đại phía Bắc của tỉnh. Hiện nay, ngoài KCN Bàu Bàng, KCN Bàu Bàng mở rộng, trên địa bàn huyện đã và đang hình thành các KCN như Tân Bình, Lai Hưng, Cây Trường, tổng diện quy hoạch trên 1.600 ha. Cùng với Bàu Bàng, các địa phương khác như Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên, bên cạnh việc khai thác tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp, cũng đang có bước chuyển mạnh mẽ về phát triển công nghiệp. Điều này sẽ tạo ra sự thúc đẩy phát triển liên ngành, giúp cho các địa phương này rút ngắn khoảng cách phát triển so với các địa phương khu vực phía Nam của tỉnh; đồng thời đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn… Đặc biệt, từ chủ trương tập trung đầu tư hạ tầng, xây dựng các KCN, di dời các doanh nghiệp lên khu vực phía Bắc, sẽ tạo cơ sở cho tỉnh hình thành nên các KCN thế hệ mới, tăng tốc thu hút đầu tư để phát triển mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ sinh thái theo định hướng đã đề ra.
Nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch công nghiệp lên phía Bắc, tỉnh đã và đang tập trung đầu tư hệ thống giao thông, tạo sự kết nối đồng bộ giữa các địa phương, khu vực. Các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 13, Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; các tuyến đường tạo lực, vành đai đang được đẩy nhanh tiến độ… sẽ là những “cửa ngõ” để công nghiệp tại các địa phương phía Bắc của tỉnh “cất cánh” trong thời gian tới.
ĐÀM THANH