Công nghiệp giữ vững mục tiêu tăng trưởng
(BDO) Với tinh thần chủ động, quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2022, công nghiệp Bắc Tân Uyên tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực thích ứng hoạt động sản xuất trong điều kiện rất khó khăn và cùng địa phương chăm lo, hỗ trợ người lao động (NLĐ) ổn định cuộc sống.
Sản xuất tiếp tục duy trì tại Công ty Gỗ Triệu Phú Lộc
Quyết liệt với các mục tiêu
Năm 2022, với những nỗ lực vượt bậc trong công tác chỉ đạo điều hành, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội Bắc Tân Uyên đạt những kết quả khả quan. Giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện được hơn 5.400 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2021 và đạt 102,97% kế hoạch năm. Đây là kết quả rất khích lệ cho huyện nhà, nhân dân và cộng đồng DN trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức vây bủa lên DN sản xuất.
Theo ông Thái Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, giá trị sản xuất trên các lĩnh vực kinh tế tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng không cao và tình hình thu hút đầu tư vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) đều vẫn còn trong giai đoạn phục hồi, trong khi đó giá cả các loại nguyên vật liệu đều tăng cao và tình hình kinh tế trong năm qua gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thị trường đầu ra. Bên cạnh đó, hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn huyện đều đã lấp đầy diện tích đất thương phẩm nên không thể thu hút được dự án mới.
“Hiện nay, tình hình SXKD của một số DN còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến thời gian gần đây xuất hiện tình trạng chủ DN cắt giảm sản lượng, hạn chế tăng ca, cho thôi việc… đã ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận công nhân lao động. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để DN duy trì sản xuất, chăm lo đời sống cho NLĐ”, ông Bình cho biết. Tuy nhiên, theo dự báo của DN xuất khẩu trên địa bàn, tình hình xuất khẩu kể từ cuối năm 2022 sang năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn do biến động của tình hình thế giới đòi hỏi các DN phải nỗ lực hơn nữa bảo đảm kế hoạch SXKD và đời sống NLĐ.
Duy trì sản xuất, chăm lo NLĐ
Trong khó khăn chung của ngành gỗ, những tháng cuối năm, các đơn đặt hàng từ phía nhà nhập khẩu tại Công ty TNHH MTV Triệu Phú Lộc (xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên) có xu hướng giảm do tác động tiêu cực của lạm phát cao ở các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU... kết hợp với lượng hàng tồn kho cao đã làm giảm hoạt động sản xuất và xuất khẩu của đơn vị này. Ngoài ra, giá nguyên phụ liệu tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay, làm cho chi phí của DN tăng… Điều may mắn là đối tác xuất khẩu của đơn vị vẫn đặt hàng dù số lượng, duy trì được sản xuất.
“Chúng tôi nỗ lực bảo đảm việc làm, hiện tại, NLĐ ở Công ty Triệu Phú Lộc vẫn duy trì công việc để bảo đảm tiến độ giao hàng cho các đối tác. Chúng tôi cũng nỗ lực đầu tư thêm dây chuyền máy móc đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong điều kiện hiện nay. Dù áp lực rất lớn nhưng chúng tôi đang cố gắng hết sức vì đời sống của NLĐ”, ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Triệu Phú Lộc cho biết.
Sau 5 năm trở lại thăm Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại - dịch vụ Tanoi (xã Thường Tân), thật vui khi biết Nhà máy gạch Tanoi của công ty đã có bước phát triển vững vàng và ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường vật liệu xây dựng xanh khắp vùng Đông Nam bộ. Năm 2022, công ty nỗ lực lớn trong đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến, tiếp tục bảo đảm chất lượng, quy cách chuẩn, phù hợp với các tiêu chuẩn Việt Nam. Dây chuyền máy móc, thiết bị vận hành công ty bảo đảm được quy trình khép kín, tăng cao về năng suất, chất lượng sản phẩm. Ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc công ty cho biết: “Trước khó khăn, Tanoi đã có những định hướng chiến lược như tiếp tục đa dạng hóa thị trường, đầu tư mở rộng công suất và nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường… Điều đó giúp DN chủ động ứng phó với tình hình thực tế, bảo đảm kế hoạch SXKD và đời sống NLĐ”.
“Trong năm 2023, để hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 11,5 - 13,5% so với năm 2022, huyện tập trung thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã hoàn chỉnh hạ tầng, khuyến khích đầu tư ngành nghề có công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại với DN để kịp thời giải quyết các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc. Phối hợp, hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án Khu công nghiệp Đất Cuốc mở rộng, VSIP III để góp phần thúc đẩy địa phương phát triển”, ông Thái Thanh Bình cho biết.
TIỂU MY