Công nghiệp điện tử dẫn dắt chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Thứ năm, ngày 28/12/2023

(BDO) Sau hơn 35 năm thực hiện chính sách đổi mới đã đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, dù công nghiệp đã đóng góp quan trọng vào cơ cấu kinh tế song nội lực nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động thấp, chậm được cải thiện.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22- 3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo. Mục tiêu được đặt ra là đến năm 2030 các ngành này đạt trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác. Đây cũng là con đường mà các quốc gia Đông Á trước đây đã đi qua trong quá trình công nghiệp hóa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc.

Tiếp theo đó, Nghị quyết số 52-NQ/ TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư xác định ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao cần tập trung ưu tiên phát triển. Và gần đây hơn, Quyết định số 157/ QĐ-TTg ngày 1-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 xác định các ngành công nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử là các ngành được ưu tiên xem xét, lựa chọn các sản phẩm để đầu tư, phát triển.

Tại Bình Dương, từ năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Trong đó tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp bền vững, những ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đặt mục tiêu tăng trưởng cho nhóm ngành điện, điện tử trong giai đoạn 2016-2020 là 18%; quy hoạch ngành điện - điện tử là ngành công nghiệp trọng điểm và sản phẩm công nghiệp chủ lực ưu tiên phát triển của tỉnh…

Bám sát quy hoạch đó, trong quá trình xét duyệt hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, ngành công thương ưu tiên phát triển ngành điện tử, đặc biệt là các đơn vị sản xuất sản phẩm có thị trường xuất khẩu, các cơ sở sản xuất sản phẩm đã có hợp đồng xuất khẩu hoặc sản xuất sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu. Từ đó, tạo động lực cho việc dẫn dắt sự chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp của tỉnh trong quá trình phát triển xanh hơn, bền vững.

KHẢI ANH