Công nghiệp công nghệ cao tại Bình Dương: Tiềm năng lớn
Bình Dương đang là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp (DN) lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Ghi nhận cho thấy, số dự án, quy mô các dự án công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh tăng dần theo thời gian.
(BDO)
Nhiều DN đầu tư vào công nghệ cao
Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 34.000 DN đang hoạt động, trong đó có nhiều DN công nghiệp công nghệ cao. Công ty TNHH Fujikura Fiberoptics Việt Nam (FOV) - công ty con của Tập đoàn Fujikura (Nhật Bản) là một điển hình. Với nhà máy công nghệ cao hoạt động tại TX.Thuận An, FOV chuyên sản xuất linh kiện điện tử và hệ thống viễn thông. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, sản phẩm của Fujikura luôn được nâng cấp thường xuyên, đạt tiêu chuẩn cao. FOV đã đạt các tiêu chuẩn ISO 9001:2000, ISO 14001:2000…
Khu công nghệ cao Mapletree tại Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: Q.CHIẾN
Bên cạnh đó, Công ty Điện tử Foster Việt Nam, trực thuộc Tập đoàn Điện tử Foster (Nhật Bản), có hơn 60 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, loa cho xe hơi… Công ty đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất các headphone chất lượng cao cho điện thoại di động. Công ty hiện có 4 nhà máy ở TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát… được trang bị hệ thống quản lý môi trường nghiêm ngặt, dây chuyền sản xuất hiện đại vào bậc nhất trên thế giới hiện nay.
Trên đây là 2 trong số nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao tại tỉnh. Việc có nhiều DN, tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư vào Bình Dương cho thấy, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh đang đi đúng hướng.
Năm 2015, tại Thành phố mới Bình Dương, Tập đoàn Mapletree của Singapore đã triển khai xây dựng khu công nghệ cao với diện tích 75 ha, vốn đầu tư 400 triệu USD. Mục đích của khu công nghệ cao này là chuyển giao khoa học - kỹ thuật và quy trình kinh doanh hiện đại cho các DN Việt Nam, phục vụ các DN kinh doanh phát triển công nghệ cao, chế tạo thử và phát triển sản phẩm mới, sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng... Theo lãnh đạo Tập đoàn Mapletree, Khu công nghiệp kỹ thuật cao Mapletree tại Bình Dương là một dự án khu công nghệ cao độc đáo và hài hòa về tổng thể. Đây sẽ là một địa điểm chiến lược, có những tòa nhà văn phòng cho thuê cùng với các dịch vụ hỗ trợ khác.
Ông Chai Cheng Huan, Phó Giám đốc Khu công nghiệp kỹ thuật cao Mapletree cho biết, khu công nghiệp này được coi là nơi thử nghiệm, sáng tạo ra những sản phẩm mới đa ngành như gỗ, gốm, vật liệu xây dựng, dược phẩm, điện tử viễn thông… Bên cạnh đó, khu công nghiệp còn là nơi cung ứng các giải pháp đột phá về công nghệ, nguyên vật liệu mới trong sản xuất công nghiệp… Mapletree đang mang tham vọng thu hút đội ngũ nhân lực là các chuyên gia, kỹ sư… có kinh nghiệm chuyên môn về ngành nghề từ các quốc gia có trình độ sản xuất tiên tiến và các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam về đây làm việc.
Nâng tầm phát triển công nghiệp
Theo các chuyên gia, quá trình sản xuất công nghiệp của Bình Dương thời gian qua vẫn còn mang dáng dấp “công xưởng gia công”, chưa khai thác hết giá trị gia tăng của sản phẩm. Phát triển công nghiệp công nghệ cao là bước ngoặt để đưa Bình Dương phát triển công nghiệp lên một tầm cao mới. Hịên nay trên địa bàn tỉnh, số khu công nghiệp công nghệ cao đang được tỉnh cũng như các DN quan tâm phát triển. Có thể kể đến như Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ An Tây rộng 1.350 ha. Đây là dự án nhằm cung cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành công nghiệp công nghệ sạch như ngành thực phẩm và nước giải khát, năng lượng, điện tử, chăm sóc sức khỏe, dược phẩm... Dự án do một công ty của Singapore và một công ty tại Bình Dương hợp tác đầu tư. Theo đó, khu công nghệ cao này (còn gọi là Khu kỹ nghệ AP Singapore Tech Park) rộng 500 ha được phát triển thành 3 giai đoạn, sẽ hoàn thành trong 3 năm tới.
Theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020, Khu công nghiệp Lai Hưng (Bàu Bàng) có diện tích 600 ha, dành để thu hút các DN khoa học - công nghệ vào đầu tư. Qua đó hình thành thêm một khu công nghiệp riêng cho các DN trong lĩnh vực có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao, thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thu hút lao động tri thức và có tay nghề vào làm việc.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, việc phát triển công nghệ cao ở Việt Nam hiện gặp những khó khăn. Khó khăn trước hết là năng lực khoa học - công nghệ của nước ta nói chung còn thấp và quy mô còn nhỏ bé; ứng dụng công nghệ cao trong các ngành còn hạn chế; ngành công nghiệp công nghệ cao còn chưa phát triển. Bên cạnh đó, mặc dù chúng ta đã thu hút đầu tư được một số DN hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao nhưng tác động về chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Thực tế cho thấy, trong 4 lĩnh vực công nghệ cao, hiện cả nước chỉ có công nghệ thông tin - truyền thông là có nền công nghiệp phát triển tương đối nhanh; ba lĩnh vực còn lại là công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ tự động hóa chưa hình thành rõ nét.
Chính vì thế, việc mở thêm các khu công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh phù hợp với xu thế toàn cầu, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi mạnh mẽ cách tiếp cận và phát triển công nghiệp của mỗi địa phương. Bình Dương có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, là cửa ngõ giao thông quan trọng kết nối khu vực phía Nam và các tỉnh Tây nguyên, lại gần các cảng lớn như Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh), sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành (Đồng Nai); Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… nên có nhiều thuận lợi để phát triển công nghiệp công nghệ cao. Nhưng để xây dựng, vận hành một khu công nghiệp công nghệ cao thành công, Bình Dương còn rất nhiều việc phải làm, từ cơ chế, chính sách đến hạ tầng công nghệ, nhân lực trình độ cao… trong thời gian tới.
DN công nghệ cao là DN đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điểm a và b Điều 75 của Luật Đầu tư, đồng thời đáp ứng các tiêu chí: Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của DN phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm; tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đối với DN vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 1%. Đối với các DN có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 0,5%; số lượng lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của DN đối với DN vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 5%. Đối với các DN có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 2,5% nhưng không thấp hơn 15 người.
XUÂN VĨ