Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ chốt
(BDO)
Các ngành, lĩnh vực đang dần phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng góp phần phát triển KT-XH của địa phương. Trong ảnh: Sản xuất tại Nhà máy chế tạo kết cấu thép và thiết bị cơ khí Công ty Cổ phần Lilama 18, xã An Điền, TX.Bến Cát
Từ đầu tháng 5, Bình Dương đã cùng với cả nước chuyển sang giai đoạn mới, thực hiện song song 2 nhiệm vụ: Vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đẩy mạnh, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Đến nay, tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh đang từng bước được phục hồi và có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chịu tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19 nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng. Do đó, để đạt được các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh năm 2020, trong đó có việc hoàn thành mốc tăng trưởng kinh tế từ 8,6- 8,8% và tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 62.200 tỷ đồng, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy vậy, các ngành, lĩnh vực dần phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng đã góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương tháng 6 và 6 tháng đầu năm. Theo đó, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2020 thực hiện 29.300 tỷ đồng, đạt 47% dự toán Thủ tướng Chính phủ (TTCP) giao và dự toán HĐND tỉnh thông qua, tăng 2% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 21.800 tỷ đồng, đạt 48% dự toán TTCP giao và dự toán HĐND tỉnh thông qua, tăng 4% so với cùng kỳ.
Ngành CN của tỉnh tiếp tục có sự tăng trưởng. Chỉ số sản xuất toàn ngành CN 6 tháng đầu năm của tỉnh ước tăng 6,4% so với cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất so với 6 tháng cùng kỳ trong 4 năm gần đây nhưng so với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước thì đây là mức tăng trưởng khá và có nhiều tín hiệu tích cực. Đặc biệt là ngành CN chế biến, chế tạo tăng 6,38% so với cùng kỳ, đây là ngành đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành, chiếm tỷ trọng 98,9% giá trị sản xuất toàn ngành CN. Trong các ngành CN cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước như: Chế biến thực phẩm tăng 7,87%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 12,04%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 12,01%; sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,91%; kim loại tăng 9,84%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7,64%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,98%; thiết bị điện tăng 6,44%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 13,32%...
Tuy nhiên, một số ngành có mức tăng thấp hơn cùng kỳ làm ảnh hưởng chỉ số tăng chung như: Ngành dệt tăng 2,31% (cùng kỳ tăng 4,23%); ngành may mặc tăng 4,02% (cùng kỳ tăng 8,59%); ngành da giày tăng 1,58% (cùng kỳ tăng 12,45%), ngành chế biến gỗ tăng 3,82% (cùng kỳ tăng 8,35%), đây là các ngành xuất khẩu chủ lực chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh...
Để khuyến khích và thúc đẩy sản xuất CN, trong những năm qua, Bình Dương đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, chính sách có tác động mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực CN và CN hỗ trợ, đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm CN chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục khai thác, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo nguồn đầu ra cho hoạt động sản xuất.
Lãnh đạo ngành Công thương cho biết, thời gian qua tỉnh đã triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nhóm các sản phẩm CN chủ lực tỉnh; tập trung phát triển CN theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và có sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, nhờ hiệu ứng tích cực từ những cải cách thể chế, những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất CN của tỉnh.
NGỌC THANH