Công nghiệp 4.0 định hình tương lai các ngành sản xuất

Thứ ba, ngày 27/09/2022

(BDO)

Toàn cảnh phiên thảo luận về công nghiệp 4.0 định hình lại các ngành sản xuất trong tương lai

Thúc đẩy công nghiệp 4.0

Sáng 26-9, trong phiên thảo luận về công nghiệp 4.0 định hình cho tương lai sản xuất, các diễn giả và đại biểu đã có buổi thảo luận sôi nổi xoay quanh chủ đề mà các quốc gia trên thế giới đều đang tập trung để định hình lại toàn bộ tiến trình sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thảo luận về hiện trạng và tương lai nền sản xuất của Việt Nam và Ấn Độ các diễn giả, đại biểu đều công nhận những điểm tương đồng của 2 nước, trong đó khẳng định mục tiêu đón đầu, nắm bắt cơ hội chuyển dịch sản xuất của 2 quốc gia là có thế mạnh về lao động, nhất là nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn kỹ thuật để nắm bắt công nghệ. Bên cạnh đó, các chuyên gia đều đánh giá một trong những điều kiện để Việt Nam và Ấn Độ hiện trở thành tâm điểm thu hút đó chính là sự hỗ trợ, hậu thuẫn từ cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0. Đồng thời, các DN cũng xác định đây là yếu tố sống còn trong thời đại mới công nghiệp 4.0 định hình toàn bộ tương lai của ngành sản xuất.

Tại phiên đối thoại, các diễn giả, chuyên gia và nhiều DN đã nhất trí cao về nhận định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc nắm bắt kịp thời cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình sản xuất sẽ quyết định sự cạnh tranh, năng lực sản xuất, thậm chí là sự tồn tại của một DN. Để làm được điều này, các DN sản xuất sản phẩm cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ số vào quá trình hoạt động, để giảm chi phí đồng bộ từ các khâu giao dịch, vận chuyển để hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh mô hình quản lý.

Các đại biểu cũng đã chia sẻ các xu thế bắt nhịp thời đại 4.0 với nhiều mô hình sản xuất xanh, giới thiệu và kiến nghị những cơ chế đặc thù trong phát triển ngành điện tử, công nghệ số, xử lý nước thải, nông nghiệp… Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư, nhất là những DN vừa và nhỏ nắm bắt, quản trị DN để tạo những giá trị gia tăng mới, sớm tham gia và định vị thương hiệu trong chuỗi dịch chuyển cung ứng toàn cầu, bảo đảm tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Các đại biểu khẳng định, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ sẽ làm thay đổi lợi thế cạnh tranh về vốn, tạo ra động lực tăng trưởng mới hết sức mạnh mẽ. Mô hình công nghiệp hóa dựa trên động lực mới và sự chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế số, dựa trên nền kinh tế tri thức với trọng tâm là việc phát triển nền sản xuất thông minh.

Chuyển đổi số là then chốt

Bên cạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, “chuyển đổi số” cũng được các diễn giả, đại biểu nhận định đóng vai trò then chốt. Các đại biểu tập trung phân tích một số xu hướng chung, việc thu thập và đánh giá toàn diện dữ liệu từ nhiều nguồn thiết bị và hệ thống sản xuất khác nhau cũng như hệ thống quản lý doanh nghiệp và quản lý khách hàng sẽ trở thành tiêu chuẩn để hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực. Ngoài ra, việc phân tích dữ liệu nhằm tối ưu hóa chất lượng sản xuất, tiết kiệm năng lượng và cải thiện dịch vụ. Tuy nhiên, nhiều vấn đề thách thức cũng đặt ra đó là vấn đề bảo mật, an ninh khi tích hợp sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung.

Các đại biểu cùng nhìn nhận, chuyển đổi số đang diễn ra trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội đóng góp tích cực cho công nghiệp 4.0. Để làm tốt các nhiệm vụ này rất cần vào sự đột phá trong cơ chế chính sách, để hỗ trợ DN có hướng đi, cách làm, có hình thức triển khai, có tính liên kết giữa DN vừa và nhỏ với DN lớn. Kế đến là việc thiết lập khung khổ chính sách để thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới từ kết quả của việc ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ số. Nhiều vấn đề đòi hỏi về nội lực của bản thân DN, khả năng tiếp nhận làm chủ khai thác công nghệ có hiệu quả. Ngoài ra, hệ sinh thái, vấn đề về môi trường chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tính pháp lý cho sản xuất, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới. Một trong những thách thức lớn của chuyển đổi số đó là vấn đề nguồn nhân lực, là một thách thức khi các nhà quản lý, người lao động đang thiếu các kỹ năng để tổ chức, quản lý và thực hành sản xuất thông minh.

Chia sẻ tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Thành Hải, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số, FPT Digital, cho rằng chuyển đổi số hiệu quả thì DN cần chú ý tới 3 yếu tố thiết yếu, đó là: Sự quyết tâm của lãnh đạo, đặt ra mục tiêu cụ thể và chú trọng đến tính kế thừa. Tiếp đó, DN cần xác định rõ mục tiêu trong từng giai đoạn, với một kế hoạch, lộ trình chi tiết với các chỉ tiêu rõ ràng, đo lường kết quả và liên tục được cải tiến linh hoạt, phù hợp với sự biến đổi thực tiễn. Đồng thời, DN kết hợp giữa việc xây dựng các sáng kiến số, phát triển nguồn lực để triển khai giúp từng bước biến tầm nhìn, ý tưởng dài hạn thành hành động cụ thể, thực hiện nhanh giúp sớm đạt kết quả. Cuối cùng cần chú ý đến tính kế thừa vì chuyển đổi số là hành trình liên tục, có sự kế thừa từ quá khứ và hướng tới tương lai.

Ông Yatindar Sharma, Giám đốc điều hành Công ty KHS: Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tại các quốc gia đặt ra vấn đề đó là cần cải thiện thị trường tiêu dùng, đồng thời giảm các chi phí để mang lợi nhuận tốt hơn, mang đến nhiều cơ hội việc làm. Tôi cũng nhận thấy về quá trình chuyển đổi số tại Bình Dương có nhiều hứa hẹn. Đây sẽ là cơ hội mang lại cho các bạn có được mức thu nhập tốt hơn, cũng như góp phần thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển để phục vụ tốt người dân, DN.

MINH DUY

Từ khóa: