Công nghệ xóa nhòa khoảng cách giữa các quốc gia
(BDO) Quá trình hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng đã đem lại những thành tựu to lớn và những cơ hội hợp tác phát triển trên mọi lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là chìa khóa quan trọng để Việt Nam hợp tác quốc tế. Điều này đòi hỏi các địa phương có các giải pháp toàn diện và đồng bộ từ gốc của vấn đề. Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Ấn Độ Horasis 2022, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò của giáo dục - đào tạo gắn với đổi mới sáng tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hợp tác phát triển, cụ thể là với Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ.
Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện là thị trường nguồn nhân lực IT đã và đang phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu của các công ty công nghệ lớn, trong đó có Ấn Độ. Nguồn nhân lực IT Việt Nam được đánh giá có năng lực tốt, đạo đức làm việc, văn hóa thích ứng được với nhiều môi trường. Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu kỹ sư phần mềm chuyên biệt. Và muốn làm được điều đó, phải hợp tác đối với doanh nghiệp để phát triển những năng lực chuyên biệt mà các lĩnh vực chuyên sâu đang rất cần đến. Việc gắn kết này ngoài việc giúp sinh viên tiếp thu được khoa học - công nghệ mới và kỹ năng quản lý tiên tiến, quá trình hội nhập còn góp phần đào tạo được nguồn nhân lực có trình độ và năng lực cảvềchuyên môn lẫn quản lýtrên thực tế.
Trở lại với vấn đề của Bình Dương, tỉnh đã xác định hội nhập cũng đồng thời đặt giáo dục - đào tạo trước áp lực không ngừng nâng cao chất lượng để xây dựng nguồn nhân lực có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được nhu cầu hợp tác phát triển toàn diện. Tỉnh đã đưa các chương trình giáo dục Stem vào các khối học để tăng tính thực hành, thực tế cho các thế hệ học sinh ngay còn ngồi trên ghế nhà trường. Đối với chương trình giáo dục đại học, các trường tăng cường tính kết nối chương trình đào tạo với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có trình độ sản xuất tiên tiến để nguồn nhân lực thực sự bắt nhịp được với thị trường. Cùng với đó, các trường cũng trang bị hệ thống các phòng thực hành, FabLab, TechLab… hiện đại, đầy đủ, đồng bộ đáp ứng yêu cầu không chỉ về mặt học thuật mà còn về mặt công nghệ. Các trường đại học xây dựng các phòng thí nghiệm nghiên cứu dành cho giảng viên và sinh viên.
Sau khi kết thúc khóa học, sinh viên có thể tự tin áp dụng kiến thức đã học vào trong lĩnh vực công nghiệp cộng với các trình độ chuẩn đầu ra tiếng Anh quốc tế. Các trường cũng chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các diễn đàn hợp tác quốc tế để tự phát triển năng lực bản thân. Tất cả tạo nên tiềm lực lớn để Bình Dương vươn lên hợp tác, phát triển trong thời đại mà công nghệ đang xóa nhòa khoảng cách giữa các quốc gia, cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
KHẢI ANH