Công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây ăn quả chủ lực: Mang lại nhiều hiệu quả
(BDO) Bưởi, cam, quýt là cây ăn quả chủ lực của tỉnh Bình Dương, mang lại thu nhập cao cho người dân. Để nâng cao hiệu quả sản xuất bưởi, cam, quýt tại Bình Dương và sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nông nghiệp đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình tưới tiết kiệm nước có hiệu quả cao cho một số cây ăn quả chủ lực (bưởi, cam, quýt) trên địa bàn tỉnh Bình Dương” do TS. Nguyễn An Đệ làm chủ nhiệm. Đề tài được thực hiện từ tháng 5-2021 đến tháng 4-2024.
Mô hình trồng bưởi da xanh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước của Hợp tác xã Minh Hòa Phát cho hiệu quả kinh tế cao
Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước
Tổng diện tích cam, quýt, bưởi của Bình Dương hiện khoảng 4.355ha. Trong đó, bưởi (1.927ha), cam (732ha), quýt (1.696ha). Khu vực TP.Tân Uyên (10,03 %) và các huyện Bắc Tân Uyên (56,94%), Phú Giáo (17,92%), Dầu Tiếng (7,69%) là những nơi trồng nhiều cây có múi của tỉnh. Về cơ bản, có 2 vùng trồng chính là vùng địa hình cao (Bắc Tân Uyên, Phú Giáo), bưởi cam quýt được trồng chủ yếu trên đất xám và vùng địa hình thấp (Tân Uyên, Dầu Tiếng, Bàu Bàng), bưởi, cam, quýt được trồng chủ yếu trên đất phù sa.
Trong quá trình trồng và chăm sóc bưởi, cam, quýt, các nhà vườn đã gặp phải khó khăn về tình trạng thiếu nước tưới hoặc khó khai thác nước tưới trong mùa khô, chi phí tưới cao, khó điều chỉnh ra hoa đậu quả, chưa có quy trình tưới hiệu quả nhằm giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, đạt năng suất cao, ổn định.
TS. Nguyễn An Đệ cho biết, để nâng cao hiệu quả sản xuất bưởi, cam, quýt tại Bình Dương, đồng thời sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả, yêu cầu đặt ra là cần điều tra khảo sát tình hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đã và đang áp dụng tại Bình Dương và một số vùng lân cận. Nghiên cứu sẽ bổ sung và xây dựng qui trình kỹ thuật tưới tiết kiệm nước có hiệu quả cao cho vườn bưởi, cam, quýt; đồng thời xây dựng mô hình tưới tiết kiệm nước, xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sử dụng và bảo dưỡng hệ thống tưới tiết kiệm nước, chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Do đó đề tài đã được đề xuất và triển khai thực hiện.
“Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình tưới tiết kiệm nước có hiệu quả cao cho một số cây ăn quả chủ lực (bưởi, cam, quýt) trên địa bàn tỉnh Bình Dương” đã thực hiện đầy đủ nội dung, quy mô theo thuyết minh và hợp đồng, đạt được mục tiêu đề ra”. (Ông Nguyễn Mộng Giang, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ) |
Tăng năng suất, lợi nhuận
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm thực hiện đề tài, việc ứng dụng qui trình tưới tiết kiệm nước tại mô hình cây bưởi giúp tiết kiệm lượng nước tưới 468m3/ha/năm, tương ứng 30% (1.092 m3/ha/năm của mô hình so với 1.560 m3/ha/năm của đối chứng); giảm chi phí tưới 2.340.000 đồng, tương ứng 30%; năng suất tăng 19,29% (13,6 tấn/ha của mô hình so với 11,4 tấn/ha của đối chứng); tăng hiệu quả kinh tế, lợi nhuận tăng 37.140.000 đồng, tương ứng 35,1% (142.940.000 đồng của mô hình so với 105.800.000 đồng của đối chứng).
Đối với mô hình cây cam, việc ứng dụng qui trình tưới tiết kiệm nước giúp tiết kiệm lượng nước tưới 875m3/ha/năm, tương ứng 19,44% (3.624 m3/ha/năm của mô hình so với 4.498 m3/ha/năm của đối chứng); giảm chi phí tưới 4.373.000 đồng, tương ứng 19,44% (18.118.000 đồng của mô hình so với 22.491.000 đồng của đối chứng); năng suất tăng 21,55% (23,4 tấn/ha của mô hình so với 19,25 tấn/ha của đối chứng); tăng hiệu quả kinh tế, lợi nhuận tăng 58.123.000 đồng, tương ứng 57,77% (158.722.000 đồng của mô hình so với 100.599.000 đồng của đối chứng).
Đối với mô hình cây quýt, việc ứng dụng qui trình tưới tiết kiệm nước giúp tiết kiệm lượng nước tưới 833m3/ha/năm, tương ứng 22,22% (2.916 m3/ha/năm của mô hình so với 3.749 m3/ha/năm của đối chứng); giảm chi phí tưới 4.165.000 đồng, tương ứng 22,22% (14.578.000 đồng của mô hình so với 18.743.000 đồng của đối chứng); năng suất tăng 22,17% (24,8 tấn/ha của mô hình so với 20,3 tấn/ha của đối chứng); tăng hiệu quả kinh tế, lợi nhuận tăng 61.765.000 đồng, tương ứng 53,29%(177.663.000 đồng của mô hình so với 115.898.000 đồng của đối chứng).
TS. Nguyễn An Đệ cho biết, qua 2 lớp tập huấn từ đề tài, qui trình và sổ tay đã được chuyển giao cho người dân sử dụng có hiệu quả. Đề tài góp phần cung cấp thêm thông tin và giải pháp canh tác cho cây cam, quýt, bưởi trên địa bàn tỉnh Bình Dương và vùng lân cận. Tưới tiết kiệm nước góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập cho nhà vườn, khắc phục biến đổi khí hậu và bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước bền vững.
Ông Tống Văn Hướng, Giám đốc Hợp tác xã Minh Hòa Phát (huyện Dầu Tiếng) cho biết, để tăng năng xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và sức lao động, thời gian qua, hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước hiện đại vào canh tác. Hiện nay, trên diện tích 130ha bưởi da xanh, hợp tác xã thu bình quân 30 tấn/ha/năm, giá bán 23.000 đồng/1kg.
“Vùng đất Minh Hòa vốn có thổ nhưỡng rất hợp với việc trồng các loại cây ăn trái có múi. Cùng với việc ứng dụng công nghệ hiện đại giúp giảm chi phí và sức lao động, những năm gần đây, nông dân trong xã đã tăng diện tích các loại cây trồng này khá nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến thời điểm này, 100% các hội viên đã làm ra sản phẩm đạt chuẩn chất lượng”. (Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng) |
Phương Lê - Quang Trí