Công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm - Thêm giải pháp chống hàng giả

Thứ tư, ngày 02/05/2018

Thời gian qua, để bảo vệ quyền lợi cho nhà sản xuất và người tiêu dùng, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp chống hàng giả, hàng nhái, như dùng tem chống giả, nhận diện thương hiệu… Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các chuyên gia khẳng định việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một trong những giải pháp chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp và lợi ích người tiêu dùng.

(BDO)

 Theo các chuyên gia, việc dùng các ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một giải pháp hữu hiệu trong việc chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng. Trong ảnh: Truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh. Ảnh: HOÀNG PHẠM

Áp dụng công nghệ mới là cần thiết

Thời gian qua, các cấp, các ngành, doanh nghiệp rất quan tâm đến công tác chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy vậy, hiện nay, nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính vẫn bị thiệt hại bởi nạn hàng giả, hàng nhái; người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, mua sắm những sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Ông Lê Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) cho biết, hiện nay có nhiều giải pháp để hỗ trợ người tiêu dùng nhận biết hàng giả, hàng nhái như dán tem, sử dụng tem kỹ thuật số, nhắn tin tới tổng đài... Tuy nhiên, những giải pháp này mới chỉ được một số ít siêu thị và nhà sản xuất hỗ trợ. Do đó, việc áp dụng các công nghệ mới để nhận diện hàng thật, hàng giả, trong đó có giải pháp ứng dụng mã số mã vạch (MSMV) truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang được triển khai hiện nay là cần thiết, nhằm bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng.

Các chuyên gia đánh giá, việc sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ dễ dàng xử lý các lô hàng kém chất lượng hoặc hàng giả và giúp cho việc kiểm soát hàng hóa đưa vào thị trường diễn ra minh bạch, rõ ràng, qua đó hạn chế lượng hàng kém chất lượng, hàng giả lưu thông trên thị trường. Từ đó giúp người tiêu dùng được tiếp cận một hệ thống cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ nhất, truy xuất nguồn gốc về sản phẩm từ khâu sản xuất, nguyên liệu, đóng gói và vận chuyển phân phối.

Chị Trần Kim Hà ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ, chị đang dùng điện thoại thông minh nên sử dụng ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm rất thuận tiện. Từ điện thoại, chị có thể xem được thông tin của hàng hóa như nơi sản xuất, nguyên liệu, nơi bán…

Cần sự phối hợp tốt giữa Nhà nước, doanh nghiệp

Hiện nay, mặc dù đã có một số mô hình MSMV nhưng số doanh nghiệp, số lượng hàng hóa của Việt Nam ứng dụng công nghệ MSMV vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn thấp. Ông Trần Giang Khuê, Phụ trách Văn phòng phía Nam Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cho rằng, các cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi công tác chống hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu. Khó khăn trước hết là nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng các biện pháp chống hàng giả bằng phương pháp cũ, trong khi đó công nghệ làm hàng giả ngày càng tinh vi.

Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông qua tem, nhãn trên sản phẩm hoặc qua hồ sơ lưu trữ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh của cơ quan chức năng cũng còn nhiều hạn chế bởi tem, nhãn thông thường không thể hiện đầy đủ thông tin truy xuất. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như chưa xây dựng hoặc thực hiện các chương trình bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa đầy đủ, còn hạn chế; việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm còn mang tính tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ. Theo ông Cường, mặc dù được Nhà nước hỗ trợ các loại tem, nhãn mác sản phẩm nhưng do lo ngại phát sinh chi phí, trong khi giá bán các thực phẩm có tem nhãn chưa thể cao hơn sản phẩm thông thường, nhất là tại các chợ truyền thống, nên nhiều doanh nghiệp, người sản xuất đã bỏ qua bước này.

Ông Khuê cho rằng, ngoài việc Nhà nước có các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, các doanh nghiệp cũng cần tạo dựng thương hiệu và ứng dụng MSMV để tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Từ đó người tiêu dùng mới yên tâm và tin tưởng với sản phẩm mà mình mua.

 Các ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm hiện nay chủ yếu dùng công nghệ quét mã vạch BARcode, QRcode. Người dùng chỉ cần một thao tác đơn giản là dùng điện thoại di động chụp ảnh mã BARcode hay QRcode trên bao bì sản phẩm là có thể biết được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa và xác thực được hàng hóa có chính hãng hay không. Các ứng dụng này đều có trên kho ứng dụng Google play và Appstore như Smartcheck, Agricheck…

 HOÀNG PHẠM