Công nghệ Thông tin với người khuyết tật: Cơ hội thay đổi cuộc sống

Thứ ba, ngày 16/08/2016

(BDO) Đoàn công tác của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh. Trong buổi làm việc, đoàn đánh giá cao công tác trợ giúp người khuyết tật (NKT) tiếp cận CNTT; đồng thời đề nghị tiếp tục thực hiện công tác này để “chắp cánh” cho NKT, giúp họ hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định.


Học viên NKT Trung tâm Dạy nghề NKT học tin học.
Ảnh: T.LÝ

“Chắp cánh” cho NKT

Đến với Hội Người mù (NM) tỉnh, điều làm tôi ngạc nhiên đó là hình ảnh cô Huỳnh Thị Khuyên, Phó Chủ tịch Hội NM tỉnh đang ngồi đánh máy văn bản hoạt động hội trong tháng 7-2016. Mặc dù đôi mắt không nhìn thấy rõ nhưng đôi tay cô lướt nhanh trên bàn phím máy tính như một người bình thường. Cô Huỳnh Thị Khuyên chia sẻ, ban đầu cô chủ yếu làm báo cáo bằng cách viết chữ nổi. Sau đó, cô đọc lại cho cán bộ văn thư của hội đánh máy. Nhưng hiện nay, nhờ học khóa vi tính cho NM, được trang bị dàn vi tính với bàn phím in chữ nổi, phần mềm đọc văn bản đã giúp cô “chinh phục” những bản báo cáo khó gửi Hội NM Việt Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).

Nếu như trước đây, Trung tâm Dạy nghề NKT tỉnh chủ yếu dạy nghề thủ công cho học viên khuyết tật như may, dệt, in lụa, điện tử… thì hiện nay trung tâm đã mở các lớp tin học (word, excell, đồ họa) thu hút đông học viên theo học. Đây được xem như là một bước đi mới, đúng đắn trong đào tạo nghề, vừa đem lại thu nhập cao hơn, lại tận dụng hiệu quả sức lao động trí óc vốn dồi dào tiềm năng của NKT. Cũng từ các lớp tin học đã có nhiều học viên thành công, có việc làm ổn định. Điển hình như em Nguyễn Trường Tiền (khiếm thính, 22 tuổi). Học xong lớp tin học, Tiền đi xin việc và được nhận vào làm ở Công ty Yazaki Eds (TX.Dĩ An). Lương tháng 5 triệu đồng đã giúp em có niềm tin trong cuộc sống, nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình.

Hỗ trợ NKT tiếp cận CNTT

Qua 2 trường hợp nêu trên có thể thấy, NKT được tiếp cận CNTT đã mở ra “cánh cửa” mới cho cuộc đời của họ. Tuy nhiên, hiện nay số NKT trong tỉnh được tiếp cận CNTT còn khá ít. Đa số NKT và gia đình họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vì thế họ thiếu phương tiện tiếp cận. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu, mạng internet không có sẵn mọi lúc, mọi nơi và thiếu công cụ hỗ trợ NKT tiếp cận CNTT, đặc biệt là ở những vùng xa của tỉnh.

Giúp NKT tiếp cận CNTT, cũng như thực hiện Đề án “Trợ giúp NKT giai đoạn 2012- 2020” của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án “Hỗ trợ NKT tỉnh Bình Dương tiếp cận thông tin và truyền thông giai đoạn 2013- 2020”; trong đó đề ra mục tiêu, giai đoạn 2013-2015, 30% NKT được trợ giúp tiếp cận và sử dụng CNTT - truyền thông; giai đoạn 2015-2020, 50% NKT được trợ giúp tiếp cận và sử dụng CNTT - truyền thông. Với đề án này, Sở TT-TT và Sở LĐ- TB&XH đã tiến hành khảo sát hiện trạng, nhu cầu và khả năng hỗ trợ NKT tiếp cận CNTT. Đến nay, Sở TT-TT đã thực hiện các hạng mục trong đề án. Cụ thể, đã đấu thầu và ký hợp đồng cung cấp thiết bị hỗ trợ NKT; in tài liệu tuyên truyền; chương trình đưa ngôn ngữ ký hiệu vào bản tin thời sự Đài Phát thanh -Truyền hình Bình Dương (BTV) thứ bảy mỗi tuần đã giao BTV phối hợp trường Câm Điếc thực hiện. Bên cạnh đó, phần mềm đọc tin thời sự trên Cổng thông tin điện tử tỉnh đang chạy thử nghiệm; lớp đào tạo tin học cho NKT do Trung tâm CNTT (Sở TT-TT) đã có văn bản chiêu sinh…

Theo ông LAI XUÂN THÀNH, Giám đốc Sở TT-TT, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 18.900 NKT, trong đó người lớn 15.400, trẻ em 3.500. NKT là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Việc thực hiện đề án, bước đầu tạo điều kiện để NKT tỉnh tiếp cận các nguồn thông tin chính thức của Đảng và Nhà nước, các thông tin kinh tế, xã hội khác; tiếp cận và sử dụng CNTT trong học tập, sinh hoạt góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội. Đây cũng là hoạt động giúp họ hòa nhập, bình đẳng vào các hoạt động xã hội, tham gia vào quá trình sản xuất, tạo ra của cải vật chất, tạo niềm tin cho NKT tự tin vươn lên trong cuộc sống.

 

T.LÝ