Phát triển gạch không nung:

Công nghệ đi đôi với chính sách

Thứ ba, ngày 27/12/2016

(BDO) Qua việc Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) thay thế gạch đất sét nung đến năm 2020, cùng với sự hỗ trợ từ chính sách, đây là điểm thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) đầu tư công nghệ sản xuất gạch không nung (GKN) và các sản phẩm VLXDKN khác.

Đưa công nghệ mới vào sản xuất

So với gạch đất sét nung, GKN có các ưu điểm vượt trội như ít phát thải khí nhà kính; sử dụng ít nhiên liệu; sử dụng phế thải làm nguyên liệu; nhẹ, có khả năng cách âm, cách nhiệt… Hiện nay, các DN sản xuất GKN chủ yếu bằng phương pháp đùn kết hợp chân không, ép tĩnh song động…, với các sản phẩm như gạch xi măng cốt liệu (gạch block), gạch bavanh (được sản xuất từ phế thải công nghiệp), gạch bê tông nhẹ (gạch bê tông nhẹ bọt và gạch bê tông nhẹ khí chưng áp)…

Công ty Cổ phần HASS giới thiệu tính năng chịu nhiệt của sản phẩm gạch blockẢnh: K.ĐĂNG 

Thạc sĩ Phạm Tuấn Nhi, Viện Địa lý tài nguyên TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, các sản phẩm VLXDKN tại nước ta đang phát triển; ngoài GKN còn có các sản phẩm khác như tấm/ vách ngăn thạch cao, tấm 3D, tường bê tông cốt liệu siêu nhẹ… Công nghệ áp dụng vào sản xuất chủ yếu từ các nước tiên tiến như công nghệ polyme hóa (geopolymer) được phát triển từ Pháp, Mỹ; công nghệ khí chưng áp (AAC)… Với đặc điểm của từng khu vực, từng địa phương, những công nghệ này đã được cải tiến phù hợp với nguyên liệu sản xuất sẵn có và đã phát huy được hiệu quả trong sản xuất các sản phẩm VLXDKN. Theo đại diện Công ty Cổ phần HASS (phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên), thực hiện việc chuyển đổi và phát triển VLXDKN, công ty đã đầu tư hơn 10 triệu USD để nhập dây chuyền sản xuất hiện đại theo công nghệ Đức để sản xuất các sản phẩm bê tông AAC, như gạch khối, tấm tường, tấm sàn… Bên cạnh đó, công ty cũng từng bước cải tiến công nghệ để gia tăng chất lượng sản phẩm, tiêu biểu như tăng khả năng cách nhiệt, chống cháy, cách âm và phát triển thêm các sản phẩm hỗ trợ xây dựng như vữa xây dựng mỏng, vữa tô, bột trét…

Chính sách hỗ trợ

Theo ông Ngô Văn Dinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, khó khăn lớn nhất hiện này là việc lựa chọn công nghệ để sản xuất các VLXDKN. Các loại GKN trên thực tế vẫn sử dụng một phần vật liệu đã qua nung để làm vật liệu liên kết. Do đó, việc lựa chọn công nghệ để cho ra sản phẩm vừa nhẹ vừa bảo đảm các tiêu chuẩn thì DN phải đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại, nhưng không phải DN nào cũng có tiềm lực để đầu tư.

Lãnh đạo một số DN sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh cũng cho rằng, việc đầu tư một dây chuyền sản xuất GKN là tương đối cao, như đầu tư cho một máy ép gạch quy mô 1 triệu viên/năm vào khoảng 750 triệu đồng, đối với máy ép 10 triệu viên/năm khoảng 3,65 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hiện gạch bê tông AAC vẫn dùng than (hoặc điện) để đốt lò hơi đóng rắn sản phẩm đã phần nào gây ô nhiễm môi trường do lượng khói thoát ra. Cách làm này cũng buộc phải chuyển đổi sang công nghệ khác. Do đó, Nhà nước cũng cần có những điều chỉnh một số chính sách khuyến khích đã ban hành, có như vậy DN mới dám đầu tư vào máy móc sản xuất hiện đại.

Ông Trần Quốc Dũng, Trưởng phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng cho biết, hiện nay, đã có nhiều chính sách ưu đãi trong đầu tư sản xuất VLXDKN như miễn thuế nhập khẩu máy móc, chi phí chuyển giao công nghệ… Tuy nhiên, một số chính sách không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, do đó Sở Xây dựng cùng với các sở, ngành liên quan sẽ sớm kiến nghị thay đổi một số chính sách phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng DN.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 cơ sở sản xuất GKN, tổng công suất thiết kế 353 triệu viên/năm. Theo điều chỉnh Quy hoạch vật liệu xây dựng tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến 2030, tổng công suất thiết kế giai đoạn đến năm 2020 đạt 575 triệu viên quy tiêu chuẩn.

KHÁNH ĐĂNG

Từ khóa: