Cộng hòa Síp không tìm được "phao cứu sinh" ở Nga
Nga sẽ không dành cho Cộng hòa Síp bất kỳ sự bảo lãnh tài chính nào trước khi Nicosia đạt thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) về gói cứu trợ vỡ nợ 10 tỷ euro.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đưa ra tuyên bố này ngày 22-3, sau khi Bộ trưởng Tài chính Síp Michalis Sarris kết thúc chuyến thăm hai ngày tới "Xứ sở Bạch dương" để cầu viện sự hỗ trợ tài chính khẩn cấp.
Bộ trưởng Tài chính Síp Michalis Sarris.Phát biểu sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, ông Medvedev nói rõ Mátxơva không đóng cánh cửa hỗ trợ đối với Cộng hòa Síp, song việc trợ giúp sẽ chỉ được thực hiện sau khi EU có kế hoạch cuối cùng về hỗ trợ quốc gia đang đứng trước bờ vực vỡ nợ và sụp đổ kinh tế này.
Ông Medvedev nhấn mạnh Nga thực hiện đường hướng này vì những lý do kinh tế rất rõ ràng, nhưng không cho biết chi tiết.
Trước đó, giới chức Nga khẳng định hai công ty năng lượng lớn của nước này đã né tránh đề nghị từ phía ông Sarris muốn Mátxcơva "bơm" gần 6 tỷ euro cho Cộng hòa Síp. Đây là số tiền Nicosia phải tự huy động để nhận được 10 tỷ euro từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, các nhà đầu tư nước này đã xem xét đề nghị của ông Sarris nhưng "không tỏ ý quan tâm." Ông Siluanov cho biết Mátxcơva không xem xét dành cho Síp khoản vay mới vì sợ rằng quốc gia vốn đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ này không có khả năng thanh toán khoản nợ mới. Hiện chưa có thông tin về việc Nga có nới lỏng điều kiện đối với các khoản tiền gửi lên tới 2,5 tỷ euro tại các ngân hàng của Síp hay không.
Ông Sarris tới Nga từ ngày 21-3 để tìm kiếm sự trợ giúp tài chính từ Mátxcơva sau khi Quốc hội Síp bác bỏ gói cứu trợ 10 tỷ euro từ EU và IMF, chủ yếu do điều khoản gây tranh cãi là áp thuế tiền gửi.
Ông Sarris lúc đầu dự định ở lại Nga cho đến khi hai bên đạt thỏa thuận về những vấn đề nêu trên cho dù cuộc khủng hoảng ngân hàng đang tàn phá đất nước ông và Chính phủ Síp đang thúc đẩy "Kế hoạch B" để kéo quốc đảo này ra khỏi bờ vực vỡ nợ.
Theo kế hoạch mới, Síp được kỳ vọng sẽ lập "Quỹ đầu tư đoàn kết," trong đó tiền huy động cho quỹ này là kinh phí từ tất cả các quỹ hưu trí và xã hội của Cộng hòa Síp, nguồn tiền của Nhà thờ Chính thống giáo Cộng hòa Síp, những khoản quyên góp tự nguyện của các công dân, các nhà đầu tư cá nhân ở trong nước cũng như nước ngoài và kinh phí của nhà nước.
Theo TTXVN