Cộng đồng quốc tế kêu gọi Trung Quốc tuân thủ UNCLOS

Thứ tư, ngày 01/08/2012

Những ngày vừa qua, Trung Quốc tiếp tục điều thêm nhiều tàu hiện đại tới vùng biển Đông nằm trong chiến lược tăng cường kiểm soát toàn bộ vùng biển này theo đường lưỡi bò do Bắc Kinh đặt ra.

Trong những ngày gần đây, khi tình hình biển Đông đứng trước nguy cơ bất ổn, Trung Quốc lại tiếp tục công khai việc tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân mà theo dư luận quốc tế là vừa phô trương khả năng của mình, vừa đe dọa các nước trong khu vực.

 Trung Quốc có kế hoạch triển khai 36 tàu các loại tới biển Đông trong năm 2013. Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” của Trung Quốc số ra ngày 30-7 dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc triển khai trên biển Đông tàu tuần tra lớn nhất và hiện đại nhất vào cuối tuần qua nhằm “khẳng định chủ quyền biển” giữa lúc có các tranh chấp dữ dội về lãnh thổ các nước láng giềng.

Tàu Haixun 01 (Hải Tuần 01) được hạ thủy ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hôm 28-7 có trọng tải 5.418 tấn, dài 128,6m, tốc độ 37 km/giờ có khả năng chạy liên tục 10.000 hải lý mà không cần tiếp tế nhiên liệu. Tàu này có sức chứa 200 người, có chức năng vừa tuần tra biển vừa cứu hộ, được trang bị các thiết bị y tế hiện đại, kể cả phẫu thuật. Theo báo China Daily, đây là một trong 36 tàu mà Trung Quốc có kế hoạch triển khai tại biển Đông trong năm 2013.

Trong khi đó, theo tờ “Văn Hối” (Hồng Công) số ra ngày 31-7, Lực lượng hải giám của cái gọi là “thành phố Tam Sa” sẽ lần lượt lên từng đảo ở biển Đông để thực hiện hoạt động chấp pháp. Dẫn nguồn tin từ tờ “Nhật báo Pháp chế” của Trung Quốc, báo “Văn Hối” cho biết chi đội “thành phố Tam Sa” của lực lượng hải giám Trung Quốc sẽ lần lượt tiến hành kiểm tra tình hình khai thác, phát triển các đảo không người ở trên biển Đông.

Trọng điểm là giám sát quản lý đối với những hành vi khai thác đá và cát, nuôi trồng và du lịch trái quy định; nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, lực lượng này sẽ tiến hành điều tra xét xử.

Cần duy trì hòa bình trong khu vực

Giám đốc Đại học Quốc gia Australia, cựu Ngoại trưởng Australia, ông Gareth Evans, trong một bài viết đăng trên tờ The Straits Times của Singapore ngày 30-7, sau khi liệt kê hàng loạt các hành động gần đây của Trung Quốc làm gia tăng tình hình căng thẳng trên biển Đông, ông cho rằng Trung Quốc có thể và nên hạ nhiệt tình hình bằng cách trở lại cơ chế giảm nguy cơ, theo đuổi các biện pháp xây dựng lòng tin đã đạt được với ASEAN từ năm 2002, đồng thời xây dựng một quy tắc ứng xử mới đa phương.

Tờ Jakarta Post của Indonesia có bài viết của nhà phân tích chính trị và pháp luật thuộc nội các Indonesia, ông Roby Arya Brata cho rằng, điều quan trọng hiện nay là chưa có một cơ chế giải quyết tranh chấp độc lập, có tính chất ràng buộc giữa các quốc gia có tranh chấp chủ quyền, nên các bên cần thiết phải tuân thủ Công ước về Luật Biển của Liên hiệp quốc năm 1982.

Cũng theo tác giả, Tuyên bố về Quy tắc ứng xử ở biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc và ASEAN ngày 4-11-2002 tại Phnôm Pênh, cũng như các hướng dẫn thực thi DOC được thông qua tại Bali năm 2011 mặc dù không có tính chất ràng buộc pháp lý nhưng đây là cam kết chính trị của các bên nhằm thúc đầy hòa bình, ổn định ở biển Đông. Điều này thật sự cần thiết để duy trì hòa bình trong khu vực.

Nga cáo buộc các công ty đánh bắt hải sản Trung Quốc vi phạm luật pháp Nga

Ủy ban chính phủ Nga về giám sát thực hiện đầu tư nước ngoài tại đây khẳng định, các công ty đánh bắt hải sản Trung Quốc vi phạm luật pháp Nga và đã chỉ thị cho các bộ - ngành liên quan phải chấn chỉnh ngay tình trạng này.

Trong phiên họp ngày 30-7 tại Mátxcơva, ủy ban trên đã đưa ra kết luận rằng việc nhiều công ty Trung Quốc thông qua các công ty con của Nga tiến hành đánh bắt hải sản là vi phạm luật pháp Nga về đầu tư nước ngoài. Cụ thể, các công ty Trung Quốc, trong đó có công ty Pacific Andes ở Hồng Công, đã mua các cổ phiếu của các công ty Nga hoặc ký các hợp đồng đánh bắt hải sản mà không được ủy ban này cho phép. Ủy ban trên đã chỉ thị cho các bộ - ngành và chính quyền địa phương liên quan phải thực thi ngay các biện pháp cần thiết nhằm chấn chỉnh tình trạng trên và buộc các công ty nước ngoài, trước hết là các công ty đánh bắt hải sản Trung Quốc, tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp Nga liên quan tới đầu tư nước ngoài.

Philippines mời thầu dầu khí ở biển Đông

Theo AFP, Philippines ngày 31-7 đã tổ chức mời gọi đấu thầu khai thác dầu khí tại 3 lô ở biển Đông, trong đó có 2 lô tranh chấp với Trung Quốc. Theo Thứ trưởng Bộ Năng lượng Philippines Jose Layug, tất cả 3 lô này đều thuộc vùng biển Tây Philippines thuộc đảo Palawan, thuộc chủ quyền của Philippines. Sáu công ty bỏ thầu là Tập đoàn Dầu khí Helios, Công ty Dầu mỏ Quốc gia Philippines, Tập đoàn Dầu lửa Philex, Tập đoàn Tài nguyên Năng lượng Dầu mỏ, Tập đoàn Philodrill của Philippines và Công ty cổ phần hữu hạn Pitkin của Anh. Công ty thắng thầu sẽ được trao quyết định đầu tư trong vòng 6 tháng và mỗi dự án ước tính cần số tiền hàng trăm triệu USD.

Theo SGGP