Cộng đồng Các nước Mỹ Latin-Caribe: Sân chơi mới không có Mỹ
Lãnh đạo các nước Mỹ Latin và Caribe dự kiến vào tháng 7 tới sẽ cho ra đời một liên minh mới: Cộng đồng Các nước Mỹ Latin và Caribe (CELAC). Liên minh mới sẽ không gồm hai người khổng lồ Mỹ và Canada.
Đây được coi là bước ngoặt lớn, mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác và liên kết khu vực cũng như báo hiệu cuộc chia tay giữa Mỹ Latin và Mỹ. Hơn thế, CELAC được kỳ vọng sẽ là sự thay thế cho Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS - thành lập từ năm 1948), thể chế lớn nhất khu vực gồm hai nước Mỹ, Canada cùng 33 nước Mỹ Latin và Caribe. Trong nửa thế kỷ qua, OAS là diễn đàn chính cho các vấn đề khu vực, song chịu nhiều ảnh hưởng từ Washington.
Dù mang bản sắc riêng nhưng liên minh mới CELAC được coi là thừa hưởng di sản của tổ chức CALC Tại hội nghị khu vực hồi tháng 2-2010, 32 nguyên thủ quốc gia Mỹ Latin và Caribe đã quyết định thành lập CELAC mang bản sắc riêng và thừa hưởng di sản của Tổ chức Nhóm Rio và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Latin và Caribe (CALC), đề cao nguyên tắc tôn trọng dân chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước thành viên, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, bảo vệ môi trường, nhân quyền và luật pháp quốc tế, kiến tạo hòa bình và an ninh khu vực.
Thực tế, Mỹ Latin từng được coi là "sân sau" của Mỹ, nơi Washington từng có ảnh hưởng lớn. Nhưng ngày nay, làn sóng cải cách xã hội và đổi mới ở Mỹ Latin đang tạo ra mô hình có thể thay thế "mô hình Mỹ" mà Washington muốn có dấu ấn trong khu vực này. Các nước Mỹ Latin đã vươn lên, khẳng định vai trò độc lập ngày càng mạnh như thành lập Liên minh Bolivar dành cho châu Mỹ (ALBA), Liên minh Các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), và giờ đây là Cộng đồng Các quốc gia Mỹ Latin và Caribe không có Mỹ và Canada, đồng nghĩa với việc phủ nhận sự thống trị bởi lợi ích của hai nước láng giềng giàu có ở Bắc Mỹ này. Sự kiện các nước Mỹ Latin thành lập các tổ chức mới nhằm xây dựng những mối quan hệ thương mại, kinh tế và chính trị bớt phụ thuộc vào Mỹ chứng tỏ ảnh hưởng của Washington trong khu vực đang giảm dần. Trong khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn chưa đưa ra được chiến lược mới với Mỹ Latin sau hơn hai năm cầm quyền; các nước Mỹ Latin và Caribe đã chứng kiến không ít thăng trầm, đặc biệt liên quan tới việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Colombia, kéo theo làn sóng phản đối rộng khắp của các nước láng giềng và trong khu vực. Quan hệ Colombia - Venezuela căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Caracas cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bogota, lâu nay vốn được coi là đồng minh thân cận của Washington trong khu vực. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng tại quốc gia Trung Mỹ Honduras sau vụ đảo chính lật đổ chính quyền của Tổng thống hợp hiến Manuel Zelaya cùng thái độ nước đôi của Mỹ khiến dư luận Mỹ Latin và Caribe không khỏi đặt dấu hỏi về vai trò thực sự của Washington trong vở kịch chính trị này. Cuộc khủng hoảng cũng bộc lộ những điểm yếu của Tổ chức OAS trong giải quyết căng thẳng khu vực. Cùng với những vấn đề dân sinh, liên quan tới lợi ích sát sườn của khu vực, sự ra đời của CELAC được nhìn nhận là phù hợp với xu thế phát triển của Mỹ Latin. Do đó, dù tổ chức mới còn gặp nhiều thách thức nhưng những trải nghiệm hàng chục năm qua cho thấy, không thể dựa dẫm vào OAS hay hy vọng nhiều vào Mỹ để giải quyết các vấn đề của khu vực.
Đặc biệt, việc thành lập Liên minh Mỹ Latin và Caribe chứng kiến sự hội nhập chính thức trở lại của Cuba - quốc gia bị đình chỉ tư cách thành viên Liên minh Các quốc gia châu Mỹ từ năm 1962 do chính sách thù địch của Mỹ. Chủ tịch Raul Castro là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên hoan nghênh ý tưởng thành lập liên minh mới, coi đó là một bước tiến quan trọng trong lịch sử, hướng tới xây dựng một "tổ chức khu vực hoàn toàn do Mỹ Latin và Caribe, của Mỹ Latin và Caribe và vì Mỹ Latin và Caribe". Trong khi đó, Mỹ cũng lên tiếng hoan nghênh việc thành lập liên minh trên và tỏ ra lạc quan khi cho rằng sự ra đời của thiết chế này không phải là một bất lợi với Mỹ và không coi đó là một nỗ lực nhằm thay thế OAS.
Như vậy, Cộng đồng Các nước Mỹ Latin và Caribe ra đời trong ít ngày tới không chỉ đơn thuần là cơ hội để các nước khẳng định tình đoàn kết trong nỗ lực chung chống đói nghèo, hướng tới sự phồn thịnh của cả khu vực; mà lớn hơn, đó là sự đoàn kết vì an ninh chung của khu vực và tìm đến một cân bằng mới trong quan hệ với Washington.
Theo Hà Nội Mới