Công đoàn ngành dệt - may: Thiết thực chăm lo đời sống cho lao động nữ

Thứ tư, ngày 21/11/2018

Công đoàn ngành dệt-may tỉnh hiện đang quản lý 17.873 công đoàn viên/44.959 công nhân lao động (CNLĐ), trong đó có tới 80% là nữ. Vì vậy, thời gian qua, công tác nữ công luôn được Công đoàn ngành dệt - may tỉnh đặc biệt quan tâm, với nhiều hoạt động thiết thực như chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ); phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”…

(BDO)

 Công đoàn ngành dệt - may tỉnh tổ chức ngày hội “Nữ công nhân ngành dệt - may năm 2018” nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10). Ảnh: T.THẢO

 Vì lợi ích đoàn viên

Đến thăm Công ty TNHH Poong In Vina (TX.Tân Uyên) vào thời gian này, không khí làm việc khá khẩn trương để hoàn tất những đơn hàng cuối năm. Anh Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Poong In Vina, cho biết công ty hiện có khoảng 3.900 lao động, trong đó có khoảng 80% lao động nữ. Vì vậy, công tác nữ công được công ty đặc biệt quan tâm. Trước tiên là xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp. Để làm được điều này, công ty chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề cho lao động nữ để tăng năng suất lao động, nâng cao mức sống; song song đó, phát động phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong CNLĐ nói chung và nữ CNLĐ nói riêng. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền vận động xuống tận các xưởng, bộ phận, công nhân, phong trào thi đua đã thu hút đông đảo CNLĐ tham gia. Qua phong trào này, hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã xuất hiện, góp phần tiết kiệm nguyên liệu, tăng năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Những đề tài, đề án, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng trong thực tiễn đã tiết kiệm chi phí và mang lại giá trị kinh tế hàng tỷ đồng; đồng thời nâng cao thu nhập cho CNLĐ…

Không chỉ quan tâm về quyền lợi, CĐCS công ty còn quan tâm đến tâm tư, tình cảm, cũng như đời sống vật chất, tinh thần của nữ CNLĐ. Thời gian qua, nhiều trường hợp nữ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn được công đoàn công ty xét cho vay vốn từ 5 - 10 triệu đồng/trường hợp và vận động cả công ty cùng hỗ trợ. Cụ thể như trường hợp chị Ngô Ngọc Nữ, có chồng qua đời vì bị tai nạn giao thông, chị bị mắc cùng lúc 2 căn bệnh quái ác là ung thư tuyến giáp vú và u gan. Chính lúc khó khăn nhất, chị đã nhận được sự động viên từ Ban giám đốc, Ban Chấp hành CĐCS và anh chị em trong công ty. Hay trường hợp chị Nguyễn Thị Sa Mê, bị ung thư tuyến giáp vú, sức khỏe yếu nên thường xuyên phải nghỉ việc, nhưng chị luôn được công ty tạo điều kiện, bố trí công việc phù hợp để có thể tiếp tục làm việc, có chi phí trang trải chữa bệnh.

Chú trọng công tác nữ công

Bà Nguyễn Thị Bé, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành dệt - may tỉnh, chia sẻ công đoàn ngành dệt - may tỉnh hiện đang quản lý 17.873 công đoàn viên/44.959 CNLĐ, trong đó có tới 80% là nữ. Vì vậy, thời gian qua, công tác nữ công luôn được Công đoàn ngành dệt - may tỉnh đặc biệt quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực như chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho nữ CNVCLĐ; phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”… Trong đó, công tác tuyên truyền giáo dục được công đoàn ngành quan tâm. Cụ thể như tuyên truyền trong nữ CNLĐ các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị 03 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; Nghị quyết 12b/NQ-BCH  ngày 12-7-2017 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI) về ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước... Đồng thời, công đoàn tuyên truyền về giới, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác dân số - sức khỏe sinh sản…

Để làm tốt tông tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho nữ CNVCLĐ, công đoàn ngành đã chỉ đạo CĐCS phối hợp với các bộ phận chuyên môn, y tế tổ chức khám bệnh cho CNLĐ, khám phụ khoa cho chị em, phát hiện sớm các bệnh hiểm nghèo để kịp thời điều trị. Ban nữ công cơ sở đã làm tốt công tác tham mưu với Ban chấp hành công đoàn cùng cấp tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho lao động nữ tại các doanh nghiệp. Thực hiện chủ đề “Năm vì lợi ích đoàn viên công đoàn”, ngoài việc tập trung vào chăm lo cho đoàn viên, lao động nữ thông qua đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể để bảo đảm việc làm, thu nhập, các chế độ, chính sách, phúc lợi, cải thiện chất lượng bữa ăn ca người lao động tại đơn vị, doanh nghiệp, công đoàn ngành còn giới thiệu đến CĐCS và CNLĐ mua sản phẩm trứng gà sạch, an toàn, chất lượng của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P với giá thấp hơn thị trường từ 20 - 30%; triển khai các chương trình ưu đãi giảm giá cho người lao động, triển khai học nghề miễn phí tại trường Trung cấp Nghề và Nghiệp vụ công đoàn Bình Dương...

Bà Nguyễn Thị Bé đánh giá, thời gian qua, hoạt động nữ công của ngành dệt - may tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều hoạt động có hình thức và nội dung phong phú, thu hút nữ CNLĐ tham gia, phát huy được trách nhiệm đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ CNLĐ. Các CĐCS đã quan tâm nhiều hơn đến hoạt động nữ công, sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện tốt để cán bộ, CNLĐ động nữ phát huy vai trò, năng lực trong thực hiện nhiệm vụ.    

 THU THẢO