Công đoàn ngành dệt may Bình Dương: Cầu nối xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định

Thứ ba, ngày 17/04/2018

70% công nhân lao động (CNLĐ) được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước; nâng cao chất lượng và hiệu quả của thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định; phấn đấu trên 80% công đoàn cơ sở (CĐCS) thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại doanh nghiệp… Đây là những chỉ tiêu mà Công đoàn ngành dệt may tỉnh Bình Dương đề ra cho hoạt động công đoàn từ nay đến năm 2020.

(BDO)

 Công nhân “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” thuộc Công đoàn ngành dệt may Bình Dương được UBND tỉnh tuyên dương năm 2017. Ảnh: T.THẢO

Từ năm 2015 đến nay, ngành dệt may của tỉnh gặp không ít khó khăn do những thay đổi về tiêu chuẩn của các nước vốn là thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Thêm vào đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải cạnh tranh với doanh nghiệp tại các nước đang có xu hướng làm gia công với giá rẻ hơn nên đơn hàng với các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn… Vì vậy, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp dệt may trong nước nói chung đã cắt giảm nhiều khoản chi phí trong sản xuất như chế độ phúc lợi, quản lý chặt chẽ giờ làm việc, tăng định mức sản phẩm hoặc hạ mức khoán đơn giá tiền công trên sản phẩm… Do đó, đời sống vật chất, tinh thần của CNLĐ trong ngành dệt may dù có cải thiện theo xu hướng chung những vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, hoạt động của các cấp công đoàn ngành cũng gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, với sự nỗ lực lớn của các cấp công đoàn, Công đoàn ngành dệt may của tỉnh cũng đạt nhiều thành tích nổi bật.

Với vai trò là cầu nối, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của CNLĐ, trong những năm qua, công đoàn đã có nhiều nỗ lực trong ký kết TƯLĐTT bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người lao động. Trong đó đáng lưu ý, nhiều TƯLĐTT được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung và tái ký kết; nâng tổng số lên 61 CĐCS có TƯLĐTT, đạt 78%. Đặc biệt, Công đoàn ngành dệt may tỉnh còn ký kết thành công TƯLĐTT ngành dệt may lần III (thời hạn 2017-2020) với 13 doanh nghiệp tham gia ký kết với nhiều điều khoản có lợi hơn cho CNLĐ, các quyền và lợi ích cao hơn quy định của pháp luật. Và trong tổng số 78 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thì có 100% doanh nghiệp đăng ký thang bảng lương, đăng ký nội quy lao động và 89% người lao động được giao kết hợp đồng lao động. Ông Đặng Thanh Vân, Chủ tịch Công đoàn ngành dệt may Bình Dương cho biết: “Từ khi thực hiện ký kết TƯLĐTT ngành, công đoàn đã thể hiện được rõ chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của CNLĐ và hạn chế được những vụ đình công bất hợp pháp. Đồng thời, TƯLĐTT ngành còn mang lại sự ổn định, phát triển bền vững cho doanh nghiệp”.

Đặc biệt, để tạo môi trường lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp, Công đoàn ngành dệt may tỉnh đẩy mạnh công tác chỉ đạo CĐCS phối hợp với doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc. Các CĐCS chủ động tham gia phối hợp với người sử dụng lao động (NSDLĐ) thành lập Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp, xây dựng quy chế dân chủ tại doanh nghiệp, quy chế tổ chức hội nghị người lao động, quy chế đối thoại theo định kỳ và đột xuất nhằm giải quyết những bức xúc của CNLĐ.

Nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc, tạo việc làm ổn định cho CNLĐ, Công đoàn ngành dệt may tỉnh đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Trong 3 năm qua, toàn ngành đã có 180 tập thể và 995 cá nhân được công đoàn ngành tặng giấy khen; 34 tập thể và 262 cá nhân được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen và 88 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Ông Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Poong In Vina cho biết: “Thời gian qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã phát huy hiệu quả. Tại doanh nghiệp đã có hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật xuất hiện, góp phần tiết kiệm nguyên liệu, tăng năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Những đề tài, đề án, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng trong thực tiễn đã tiết kiệm chi phí và mang lại giá trị kinh tế hàng tỷ đồng…”.

Theo ông Đặng Thanh Vân, Chủ tịch Công đoàn ngành dệt may Bình Dương, mặc dù gặp nhiều khó khăn do yếu tố khách quan của ngành nhưng trong thời gian qua, Công đoàn ngành dệt may tỉnh luôn đồng hành với CNLĐ; bảo vệ quyền, lợi ích, hợp pháp và chính đáng của CNLĐ. Từ nay đến năm 2020, Công đoàn ngành dệt may tỉnh sẽ tiếp tục hướng dẫn các CĐCS xây dựng, thương lượng, ký kết TƯLĐTT với những nội dung có lợi hơn cho CNLĐ, nâng cao chất lượng thỏa ước; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; đẩy mạnh phong trào thi đua trong đoàn viên công đoàn và CNLĐ; nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS; xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho CNLĐ và tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định; vì người lao động và sự phát triển của các doanh nghiệp.

 THU THẢO