Công đoàn các cấp trong tỉnh: Chú trọng nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động

Thứ năm, ngày 21/07/2016

(BDO) Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh vừa tổ chức Hội nghị báo cáo viên công tác tuyên giáo công đoàn. Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị là thông tin tình hình và triển khai công tác phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/ AIDS, văn hóa phẩm độc hại và giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) cho người lao động (NLĐ).

Đưa pháp luật đến với NLĐ

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an (CA) tỉnh, cho biết: “Hiện nay nhận thức về pháp luật, tình hình ANTT của một bộ phận NLĐ vẫn còn hạn chế. Do thường xuyên phải làm việc, tăng ca nên NLĐ vẫn chưa tiếp cận được nhiều thông tin về tình hình thời sự trong nước và thế giới, tình hình phòng chống tội phạm nơi mình đang sinh sống. Vì vậy, công tác tuyên truyền vô cùng cần thiết. Việc tuyên truyền qua báo, đài, loa truyền thanh ở địa phương, các bản tin trong doanh nghiệp hoặc thông qua các hội nghị, tập huấn do công đoàn các cấp tổ chức, từ đó nâng cao nhận thức pháp luật cho NLĐ cần chú trọng”.


Đa dạng hình thức tuyên truyền sẽ giúp việc đưa kiến thức pháp luật đến đối tượng công nhân hiệu quả hơn.
Trong ảnh: Một sân chơi dành cho thanh niên công nhân tại TX.Dĩ An. Ảnh:
T.TRANG

Cũng theo Đại tá Trần Văn Chính, tổ chức công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở cần tăng cường công tác vận động đoàn viên và NLĐ thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; vận động đoàn viên và NLĐ không tham gia các hoạt động tệ nạn xã hội, nhất là cờ bạc trong các doanh nghiệp và tội phạm, đồng thời tố giác các hoạt động của tội phạm và tệ nạn xã hội cho cơ quan CA để có kế hoạch đấu tranh, triệt phá kịp thời.

Theo Đại tá Trần Văn Chính, sắp tới sẽ có quy chế phối hợp giữa ngành CA và LĐLĐ với một số nội dung cơ bản đề cập đến vấn đề tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho NLĐ. Thời gian tới, ngành CA sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan nhân rộng mô hình, duy trì và tạo điều kiện hoạt động cho các Đội Công nhân xung kích tự quản về ANTT trên địa bàn tỉnh đã được thành lập ở các doanh nghiệp. Lực lượng CA sẽ tập huấn cho lực lượng công nhân nâng cao một số kỹ năng cũng như hướng dẫn sử dụng công cụ, phương tiện khi xảy ra tình hình ANTT phức tạp tại các doanh nghiệp.

Chia sẻ về kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2016, ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo, LĐLĐ tỉnh, cho biết ngay từ đầu năm, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện chức năng tuyên truyền, giáo dục, vận động công nhân viên chức, lao động nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã được các cấp công đoàn đổi mới về nội dung và hình thức, phù hợp với từng đối tượng, điều kiện làm việc của công nhân viên chức, lao động. Trong công tác tuyên truyền pháp luật, từ đầu năm đến nay các cấp công đoàn đã tổ chức tuyên truyền được 718 cuộc cho hơn 86.217 lượt công nhân viên chức, lao động với các nội dung thiết thực như: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh lao động… từ đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho NLĐ.

Đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền

Nói về hình thức, phương pháp tuyên truyền pháp luật cho NLĐ tại doanh nghiệp của mình, ông Võ Phi Hùng, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty P&G, cho biết: “Hiện tại P&G có hai nhà máy đều được trang bị máy tính công đoàn để đoàn viên cập nhật thông tin tuyên truyền pháp luật, những sự kiện, nội dung do công đoàn cấp trên triển khai xuống. Sau khi tham gia một hội nghị, lớp tập huấn do LĐLĐ tỉnh tổ chức, chúng tôi đều về phổ biến lại với NLĐ bằng nhiều cách thức khác nhau. Hàng năm, chúng tôi tổ chức Hội nghị NLĐ để phổ biến tình hình hoạt động của công ty, kế hoạch của năm tới cũng như triển khai nội quy cho NLĐ... Tại hội nghị, NLĐ sẽ đóng góp ý kiến, trình bày thắc mắc trong năm vừa qua để phía công đoàn nắm bắt được tình hình và giải đáp kịp thời, từ đó tránh tình trạng vi phạm nội quy nhà máy, vi phạm pháp luật. Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng bản tin để cập nhật những hoạt động của công ty, văn bản pháp luật, những chính sách liên quan đến NLĐ”.

Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn VSIP, cho biết: “Thời gian qua, các cấp công đoàn VSIP đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, để thay đổi hình thức tuyên truyền pháp luật đến NLĐ, các cấp công đoàn VSIP cũng vận dụng nhiều hình thức triển khai sao cho sinh động, hấp dẫn như: Mời các chuyên gia, báo cáo viên có kinh nghiệm, xây dựng các buổi nói chuyện chuyên đề, đưa ra tình huống, đặt câu hỏi và giải đáp thắc mắc để các anh chị công nhân dễ hiểu, dễ nhớ”.

Ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo, LĐLĐ tỉnh, cho biết: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã được các cấp công đoàn đổi mới về nội dung và hình thức, phù hợp với từng đối tượng, điều kiện làm việc của công nhân viên chức, lao động. Trong công tác tuyên truyền pháp luật, từ đầu năm đến nay các cấp công đoàn đã tổ chức tuyên truyền được 718 cuộc cho hơn 86.217 lượt công nhân viên chức, lao động với các nội dung thiết thực, từ đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho NLĐ.

 

TÂM TRANG