Công bố Nghị quyết về kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Thứ tư, ngày 08/01/2025

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam từ ngày 15-1-2025 để chuyển chức năng, nhiệm vụ từ Truyền hình Quốc hội Việt Nam về Đài Truyền hình Việt Nam.

Toàn cảnh Lễ công bố Nghị quyết. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam)
Toàn cảnh Lễ công bố Nghị quyết

Chiều 7-1, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ công bố 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chủ trì buổi lễ.

Tại Nghị quyết số 63/2025/UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ ngày 15-1-2025; chuyển chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học, cung cấp thông tin khoa học và Tạp chí Nghiên cứu lập pháp về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi lĩnh vực phụ trách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội tiếp nhận toàn bộ hồ sơ công chức, viên chức, tiếp nhận quản lý toàn bộ tài sản, hồ sơ tài liệu, con dấu, tài khoản của Viện Nghiên cứu lập pháp, trong đó bao gồm công tác tài chính, kế toán, thanh quyết toán được thực hiện theo quy định của pháp luật. Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đề tài nghiên cứu được bảo lưu cho đến khi có cơ quan tiếp nhận.

Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm tiếp tục giải quyết các nhiệm vụ mà Viện Nghiên cứu lập pháp đang được giao thực hiện là cơ quan thường trực của Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì biên tập sách và hội thảo khoa học quốc gia kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam, các nhiệm vụ liên quan đến việc kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp, đảm bảo các công việc không bị gián đoạn.

Tại Nghị quyết số 64/2025/UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam từ ngày 15-1-2025 để chuyển chức năng, nhiệm vụ từ Truyền hình Quốc hội Việt Nam về Đài Truyền hình Việt Nam. Văn phòng Quốc hội tiếp tục duy trì hoạt động của Cổng Thông tin điện tử Quốc hội.

Văn phòng Quốc hội và Đài Truyền hình Việt Nam rà soát, nghiên cứu, thống nhất và báo cáo cấp có thẩm quyền để bàn giao chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất và nhân sự từ Truyền hình Quốc hội Việt Nam về Đài Truyền hình Việt Nam.

Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với viên chức và lao động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam (số không chuyển sang Đài Truyền hình Việt Nam) theo đúng quy định.

Cả hai Nghị quyết trên có hiệu lực thi hành từ ngày 7-1-2025.

Tại buổi lễ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển và Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh khẳng định tuyệt đối chấp hành sự chỉ đạo, sắp xếp theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và chấp hành những nội dung được nêu trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bày tỏ kỳ vọng phương án sắp xếp mới sẽ kế thừa được những thành quả đã đạt được, phát huy hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hai đơn vị.

Phát biểu tại Lễ công bố, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ vừa qua, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 111 KL/TW về việc sáp nhập, kết thúc hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, trong đó có đánh giá cao Đảng đoàn Quốc hội là cơ quan gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận đóng góp của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam trong thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh việc sắp xếp nhưng không được gián đoạn, không để tình trạng thực hiện nhiệm vụ không tốt, thậm chí còn phải tốt hơn và phải thống nhất quan điểm để thông suốt trong tư tưởng./.

Theo TTXVN