Công an tỉnh: Nêu các phương thức lừa đảo qua mạng để người dân cảnh giác

Thứ ba, ngày 14/05/2024

(BDO) Trước tình hình tội phạm công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh yêu cầu các thành viên và địa phương tăng cường các giải pháp, trong đó chú trọng tuyên truyền nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân trước “ma trận” lừa đảo trên mạng.


Tờ rơi của Công an tỉnh kêu gọi người dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước lừa đảo trên không gian mạng

Trong 2 năm gần đây (năm 2022 và 2023), lực lượng công an các cấp đã tiếp nhận 215 tin báo, tố giác liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đã khởi tố 67 vụ, 9 đối tượng. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 2,6% trong cơ cấu tội phạm hình sự, nhưng loại tội phạm này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị chiếm đoạt gần 329 tỷ đồng; một số vụ có số nạn nhân lớn, hoặc một người bị chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng trong thời gian ngắn.

Theo khuyến cáo của Công an tỉnh, hiện nay phổ biến nhất có 11 thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng là: Lừa đảo mua bán hàng hóa, dịch vụ (vé máy bay, du lịch…) giá rẻ; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, sau đó nhắn tin cho người thân, quen vay mượn tiền; lừa đảo chuẩn hóa thông tin cá nhân (thuê bao di động, VneID, tài khoản ngân hàng…) để yêu cầu truy cập hoặc cài đặt ứng dụng độc hại; giả mạo cơ quan, tổ chức, cá nhân tuyển người mẫu, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu, sau đó lôi kéo làm nhiệm vụ online hoặc đầu tư tài chính; giả danh công ty tài chính, ngân hàng để hỗ trợ cho vay, nâng mức tín dụng… sau đó yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục; giả mạo danh nghĩa cơ quan, tổ chức phát tán tin nhắn SMS Brandame chứa đường dẫn lừa đảo, nội dung yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc tải ứng dụng độc hại; lừa đảo đầu tư các sàn chứng khoán, tiền ảo, đa cấp… sau đó “đánh cháy” tài khoản hoặc đánh sập sàn; lừa đảo tình cảm, sau đó dẫn dụ đầu tư tài chính, làm nhiệm vụ online hoặc gửi tiền, quà có giá trị; lừa đảo qua hình thức tuyển cộng tác viên các sàn thương mại điện tử việc nhẹ lương cao; giả danh cơ quan công quyền (tòa án, công an, viện kiểm sát…), văn phòng luật sư, ngân hàng… gọi điện đe dọa chuyển tiền hoặc lấy lại tiền đã bị mất; ngoài ra còn có một số phương thức lừa đảo khác là lừa cho số đề, chuyển nhầm tiền hoặc hỗ trợ lấy lại tài khoản đã bị mất nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đề nghị các các sở, ban ngành và thành viên cấp huyện đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Trong đó chú trọng đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng, người dân nhằm tăng khả năng tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác và chủ động phòng ngừa, bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng…

L .T.PHƯƠNG