Công an tỉnh khuyến cáo cảnh giác với thủ đoạn “lấy lại tiền bị lừa đảo”
(BDO) Thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Trong đó nổi lên thủ đoạn làm quảng cáo dịch vụ “lấy lại tiền bị lừa đảo”. Nhiều nạn nhân đã bị “sập bẫy”, tiền bị lừa đảo đã không lấy được mà tiếp tục bị lừa thêm lần hai.
Thủ đoạn của các đối tượng là tiếp tục lập ra các tài khoản, fanpage, website trên không gian mạng mạo danh các đơn vị của Bộ Công an, công ty luật, văn phòng luật sư quảng cáo về các dịch vụ, như: “Tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”, “thu hồi tiền treo trên sàn thương mại điện tử”, “thu hồi tiền treo không cần cọc”... với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại tiền lừa đảo.
Các trang fanpage trên thường xuyên sử dụng tính năng quảng cáo bài viết trên Facebook để chạy bài viết trên tài khoản mạng xã hội của người dùng. Một số trang, hội, nhóm mạo danh còn lợi dụng các tài khoản “ảo”, tài khoản ẩn danh để bình luận tương tác với các bài viết trên các trang thông tin uy tín, trang có số lượng lớn người quan tâm tương tác “đã lấy lại được tiền bị lừa nhờ công ty, trang...” để tăng thêm độ tin tưởng, thu hút sự quan tâm của người dân.
Sau khi nạn nhân tương tác với các trang, hội, nhóm trên, đối tượng sẽ “đóng vai” các luật sư, chuyên gia, cán bộ hỗ trợ người dân thu hồi tiền. Khi chiếm được sự tin tưởng của nạn nhân, đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, số tiền bị chiếm đoạt và một số thông tin tài khoản ngân hàng. Để lấy lại được tiền, các “chuyên gia” yêu cầu nạn nhân phải chuyển khoản thêm một số khoản tiền với nhiều lý do như “xác minh tài khoản ngân hàng”, “ngân hàng bị lỗi, không cho rút tiền về”...
Đặc điểm chung của các nạn nhân đó là mất cảnh giác trên môi trường mạng; dễ dàng tin vào những lời hứa hẹn của những người không biết mặt và cũng không gặp gỡ, dẫn đến bị đối tượng dụ dỗ, lôi kéo và lừa đảo.
Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần trực tiếp đến các cơ quan công an để trình báo hoặc gửi đơn, thư theo đường bưu chính về các vụ việc lừa đảo mà mình là nạn nhân để được tiếp nhận, giải quyết. Hiện nay, các đơn vị công an và các cơ quan liên quan không phối hợp, ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội; cũng như không có đơn vị, cơ quan công an nào đăng tin, chạy quảng cáo qua các trang mạng xã hội về nội dung công việc của tổ chức, đơn vị mình.
Tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”... trên không gian mạng.
Cần cảnh giác đối với các trang mạng xã hội mạo danh cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư, cơ quan chức năng. Mọi giao dịch chuyển tiền cần xác thực đầy đủ thông tin để tránh bị lừa đảo. Khi phát hiện các vụ việc nghi ngờ có dấu hiệu tội phạm, hãy liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.
CÔNG AN BÌNH DƯƠNG