Công an Bình Dương hướng về Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Bài học thế trận lòng dân
Bác Hồ từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trong chiến tranh hay trong thời bình, nếu biết dựa vào dân, vận dụng sức mạnh tổng hợp của toàn dân thì sẽ giành được thắng lợi. Đó là bài học thực tiễn được đúc kết trong xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của các thế hệ Công an tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ cách mạng.
(BDO)
Đại tá Trần Ngọc Thành, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Sông Bé, đến thăm nhà mẹ Tư Liên tại xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: K.CHUNG
Chiến tranh đã đi qua 40 năm, nhưng đối với đại tá Trần Ngọc Thành, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Sông Bé thì những ký ức của một thời hoa lửa vẫn như mới hôm qua, nhất là mỗi khi ông về thăm lại chiến trường xưa.
Vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với lòng căm thù giặc, ông đã thoát ly tham gia vào lực lượng an ninh tỉnh Thủ Dầu Một, khi ấy ông mới 15 tuổi. Nhớ những năm đầu tham gia cách mạng, bài học mà ông cùng đồng đội thấm thía là phải biết dựa vào dân và biết vận dụng sức mạnh tổng hợp của toàn dân thì sẽ giành được thắng lợi. Và thực tiễn đã chứng minh, trước muôn vàn khó khăn, thử thách, lực lượng an ninh các cấp ngày ấy đã luôn bám dân, dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân để phát triển, chiến đấu và trưởng thành, góp phần vào đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.
Theo chân đại tá Trần Ngọc Thành về thăm lại những cơ sở cách mạng năm xưa tại vùng căn cứ Long Nguyên nay thuộc huyện Dầu Tiếng, địa chỉ đầu tiên chúng tôi dừng chân là gia đình bà Tư Liên thuộc ấp Tân Minh, xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng. Bà Tư nay đã ngoài 90 tuổi, tuy tuổi cao sức yếu không đi lại được, nhưng khi nghe có chúng tôi về thăm bà rất mừng; những bệnh tật đau nhức của thể xác dường như biến mất, thay vào đó là những kỷ niệm, những câu chuyện rôm rả tưởng chừng như không có hồi kết của những người đã từng đi qua một thời máu lửa.
Người mẹ già đã nuôi dưỡng, chở che bao thế hệ cách mạng làm chúng tôi nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
“Bao bà cụ từ tâm như mẹ
Yêu quý con như đẻ con ra
Cho con nào áo nào quà
Cho con áo mặc, cho nhà con ngơi...”
Đi qua cuộc kháng chiến trường kỳ cam go khốc liệt, dân tộc này có thật nhiều người mẹ từ tâm như mẹ Tư Liên, yêu thương và dưỡng nuôi những người lính “Cụ Hồ” như chính con mình. Từ những hậu phương vững chắc đó, cách mạng ta mới có đủ sức mạnh chiến thắng mọi quân thù.
Chia tay gia đình bà Tư Liên, chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình tìm về những “địa chỉ đỏ”. Băng qua những vườn cao su bạt ngàn, điểm dừng chân kế tiếp của chúng tôi là gia đình bà Nguyễn Thị Bọt, bí danh Tư Đức ở xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng. Biết chúng tôi đến, bà Tư ra tận ngoài ngõ để đón, tay bắt, mặt mừng như những người thân từ lâu xa cách nay gặp lại bùi ngùi, xúc động. Năm 1961, thực hiện chỉ đạo của trên về việc chọn địa bàn Bờ Cảng, Long Nguyên làm nơi xây dựng căn cứ nhằm củng cố lực lượng để kháng chiến chống đế quốc Mỹ, do làm công tác quần chúng tốt nên lực lượng an ninh được quần chúng nuôi dưỡng, hỗ trợ. Nhớ khi cán bộ an ninh đến vận động gia đình bà Tư Đức giúp đỡ, biết đó là công việc nguy hiểm nhưng bà và gia đình không một chút đắn đo suy nghĩ mà vui vẻ nhận lời ngay. Ban ngày, cán bộ an ninh vào rừng xây dựng căn cứ, đêm về cùng ăn cùng ở với gia đình. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Tình quân dân rất khắng khít như ruột thịt trong gia đình.
Căn cứ Bờ Cảng, Long Nguyên là nơi mà trong chiến tranh Việt Nam lần đầu tiên đế quốc Mỹ đã dùng máy bay B52 thả bom trải thảm, nhưng không có gì lung lay được đất và người nơi đây. Những con người kiên trung sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng hiến dâng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bài học thế trận lòng dân vẫn còn nguyên giá trị cho các thế hệ Công an Bình Dương năm xưa, hôm nay và cả mai sau ghi nhớ.
KHẮC CHUNG