Cơn sóng gió tại OPEC

Thứ sáu, ngày 23/07/2021

(BDO) Sau hơn 60 năm kiểm soát giá dầu thế giới, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang đứng bên bờ vực sụp đổ do mâu thuẫn giữa các thành viên. Sau khi bị hoãn 2 lần, ngày 5-7, kế hoạch tổ chức hội nghị trực tuyến thứ ba của OPEC+ đã không thể diễn ra và chưa có ngày nối lại. Nguyên nhân là do các thành viên của OPEC và các đối tác (OPEC+) không đạt được thỏa thuận chung.

Nhiều mâu thuẫn

Vụ việc diễn ra sau khi Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ chối tăng sản lượng khai thác dầu mỏ lên 400.000 thùng/ngày, theo đề xuất của Nga và Saudi Arabia.

Saudi Arabia ủng hộ kế hoạch các nước OPEC tăng sản lượng khai thác theo nhiều giai đoạn từ tháng 8 tới tháng 12-2021 với mức tăng tổng cộng là 2 triệu thùng/ngày; sau đó OPEC sẽ tiếp tục thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện nay đến cuối năm 2022 (thay vì để thỏa thuận này hết hạn vào tháng 4 năm sau như kế hoạch ban đầu).

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Thái tử UAE Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan.

Tuy nhiên, UAE phản đối bằng cách yêu cầu tăng hạn ngạch sản xuất của mình để kịp đón đầu kinh tế toàn cầu hồi phục, qua đó thu thêm lợi nhuận phục vụ cho các kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế. Phía Saudi Arabia lo ngại tăng sản lượng quá nhiều sẽ khiến giá dầu lao dốc và gây ra nhiều hệ lụy cho đầu tư lẫn nguồn cung sau này.

Mối bất hòa giữa các thành viên OPEC đã ảnh hưởng đáng kể tới giá dầu. Hiện, giá dầu thô Brent đã tăng lên hơn 77 USD/ thùng, mức cao nhất kể từ cuối năm 2018. Năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, giá dầu thô Brent giảm xuống dưới ngưỡng 20 USD/thùng, khiến các thành viên OPEC+ phải ra quyết định cắt giảm sản lượng khoảng 10 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 10% nhu cầu toàn cầu trước đại dịch.

UAE dường như đã có nhiều bất bình về việc tổ chức đã kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các hạn ngạch sản xuất dầu và hiện đang xem xét khả năng rời khối. Căng thẳng giữa UAE và Saudi Arabia - "người anh cả" trong khối OPEC đã bắt đầu gia tăng từ mùa hè năm nay sau khi UAE vi phạm hạn ngạch theo thỏa thuận OPEC+ và nhận được cảnh báo nghiêm khắc từ nước láng giềng.

Những căng thẳng ngoài dầu mỏ

Bà Helima Croft, trưởng bộ phận phân tích chiến lược hàng hóa toàn cầu tại Ngân hàng Đầu tư RBC Capital Marketscho rằng, tranh chấp giữa UAE và Saudi Arabia không đơn thuần về chính sách dầu mỏ, vì Abu Dhabi "dường như có ý định thoát khỏi cái bóng của Saudi Arabia và vạch hướng đi của riêng mình trong các vấn đề toàn cầu".

Một yếu tố quan trọng trong lập trường của UAE là phản ứng chiến lược đối với những nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế việc phát thải khí carbon, vấn đề trực tiếp ảnh hưởng tới doanh thu từ dầu mỏ của nước này. Cùng với các đối tác quốc tế lâu đời như BP và Total, UAE đầu tư khoảng 25 tỷ USD mỗi năm cho việc tăng sản lượng, dự kiến sẽ từ mức hiện tại khoảng 3,2 triệu thùng/ngày lên 5 triệu thùng/ngày vào năm 2030.

Trước đây, Saudi Arabia hài lòng với vị thế vượt trội trong thị trường dầu mỏ nên hầu như không đầu tư vào các ngành công nghiệp khác. Ngược lại, UAE mở cửa mời gọi các công ty đa quốc gia và Dubai hiện là trung tâm kinh doanh, du lịch và sản xuất của khu vực.

Chiến lược của UAE được cho là tăng tốc khai thác các nguồn dự trữ để chuyển chúng thành tiền mặt và tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế hậu dầu mỏ, trước khi nhu cầu về dầu và khí đốt toàn cầu bắt đầu giảm theo lộ trình đưa mức khí thải ròng về 0 vào năm 2050 mà nhiều quốc gia đã cam kết.

Saudi Arabia dù chậm chân hơn, sau đó cũng có hành động tương tự. Không chỉ vậy, Saudi Arabia và UAE còn cạnh tranh vị trí trung tâm kinh doanh chính của khu vực. Riyadh cũng định thành lập hãng hàng không quốc gia thứ hai để tăng gấp đôi năng lực vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và qua đó trở thành một trung tâm logistics. Kế hoạch này có thể là sự cạnh tranh mới dành cho hai hãng hàng không Etihad và Emirates của UAE.

Ngoài kinh tế, Thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nayan của Abu Dhabi còn muốn tăng cường ảnh hưởng của UAE trong khu vực bằng cách độc lập với Riyadh về một số chính sách đối ngoại.

Hệ lụy đi kèm

Việc UAE rời OPEC có thể sẽ thêm một cú sốc nữa cho tổ chức sau khi Qatar cũng đã có hành động này vì bất đồng với Saudi Arabia. Ecuador chia tay với OPEC năm 2020. Nếu đi theo hướng này, với tư cách nhà sản xuất lớn thứ tư trong OPEC, UAE rất có thể sẽ làm suy yếu khả năng thao túng nguồn cung và giá cả của OPEC, khiến giá dầu thế giới sụp đổ.

Căng thẳng nội bộ OPEC đã có từ trước, song một loạt vấn đề mới nảy sinh giữa 2 thành viên chủ chốt của khối đang phản ánh một mối đe dọa nghiêm trọng trừ khi Saudi Arabia và Nga sẵn sàng tuân theo các yêu cầu của UAE và từ bỏ kế hoạch gia hạn đề xuất từ tháng 4 sang tháng 12-2022.

Saudi Arabia từng sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng, ở một mức độ nào đó, để bảo vệ OPEC. Nhưng, trong bối cảnh hiện nay, những nhân tố ngoài vấn đề dầu mỏ có thể mới chính là yếu tố quyết định xem UAE có ở lại OPEC hay không.

Một nhân tố bên lề đang rất quan tâm tới vấn đề này là Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thúc giục các thành viên OPEC nhất trí về việc tăng sản lượng khai thác dầu mỏ.

Washington lo ngại về tác động của việc tăng giá xăng dầu đối với người tiêu dùng và nền kinh tế, cũng như những ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi nhuận và sự năng động của lĩnh vực khai thác dầu đá phiến.

Ngoài ra, mối quan tâm chiến lược lâu dài của Mỹ đối với một Trung Đông ổn định cũng có thể là động lực để nước này kêu gọi các bên sớm tiến đến đồng thuận. Rõ ràng, nền chính trị dầu mỏ tại Trung Đông có thể tác động nghiêm trọng và hủy hoại nhiều hơn mối quan hệ giữa hai nhân tố chính trong khu vực.

Theo CAND

Từ khóa: