Con ngoan - “tài sản” quý giá nhất!

Thứ tư, ngày 04/07/2012

Nhiều đôi vợ chồng đã tự hào cho biết như thế khi nói về những đứa con ngoan của mình. Cũng đúng thôi bởi cha mẹ lo lắng cho con biết bao từ nhỏ đến khi trưởng thành. Đây còn là điều làm cho bậc sinh thành thấy hạnh phúc, an vui nhất...  Cả nhà anh Tâm chuẩn bị cho phần thi nấu ăn tại ngày hội văn hóa - thể thao gia đình các tỉnh Đông Nam bộ

1. Vợ chồng anh Tú, chị Hạnh (Bến Cát) luôn miệng tươi cười khi nói về những đứa con của mình. Theo họ, không phải cơ ngơi khang trang, vườn rẫy màu mỡ làm họ yên lòng cho cuộc sống mà đó là những đứa con khỏe mạnh, chịu khó học hành và không ỷ lại vào cha mẹ.

Anh chị từng là thanh niên xung phong. Sau năm 1975 cùng vào Nam tìm hướng làm ăn. Những ngày đầu trên vùng đất mới, họ làm thuê làm mướn và luôn tuân thủ theo cách chi tiêu tiết kiệm, “tích tiểu thành đại” để dần dần tạo dựng cơ nghiệp. Trời không phụ công người nên sau nhiều năm cố gắng, họ có mảnh đất riêng cho mình để làm nhà, lập vườn rồi dành dụm mua đất trồng cao su. Cuộc sống khó khăn ngày nào lùi xa dần và nay họ được sung túc, an nhàn hơn trước nhiều.

Nhưng điều làm cho họ vui đó là những đứa con “không hư”! Chị Hạnh tâm sự: “Lo lắm cô à, khi mà nhà nào cũng nơm nớp lo con cái hư hỏng, theo kẻ xấu đi Campuchia đánh bạc, đua xe này nọ thì con mình biết lo học hành, làm ăn đàng hoàng là điều vui nhất”. Theo chị, nhờ “trời thương” nên 3 đứa con của anh chị đều có công việc ổn định. Con gái học xong đi dạy, rồi theo chồng nhưng “rất hay về nhà hủ hỉ với mẹ”. Hai con trai cũng biết yêu thương cha mẹ, quý trọng từng khoảnh đất của gia đình mà cha mẹ đổ mồ hôi, nước mắt mới có được. Ngoài giờ học, cả hai anh em biết phụ cha mẹ làm mọi việc và “khả năng chúng nó sẽ quản lý vườn tược tốt hơn cha mẹ bởi được học hành bài bản chứ không tay ngang như chúng tôi”, anh Tú tự hào chia sẻ.

Chia niềm vui với anh chị, tôi nói với chị rằng, chẳng phải “trời thương” gì đâu mà chính từ nết ăn ở, siêng năng và tính chịu thương chịu khó của anh chị đã hướng cho con họ nên người như thế. Đó cũng là “bài học lớn” mà con cái đã thuộc từ nếp nhà do cha mẹ tạo nên.

2. Tôi quen với gia đình họ trong những ngày diễn ra ngày hội văn hóa - thể thao gia đình các tỉnh miền Đông Nam bộ vừa được Bình Dương đăng cai tổ chức. Điểm chú ý nhất của gia đình này là hai đứa con rất nhanh nhẹn, nổi trội với sự năng động, trẻ trung của các em.

Đó là gia đình anh Nguyễn Như Tâm và chị Lê Thị Tồn (TX.Dĩ An).  Sau khi dự liên hoan các gia đình văn hóa - thể thao tiêu biểu của TX.Dĩ An tổ chức và vinh dự nhận giải nhất, gia đình họ tiếp tục được chọn đi thi cấp cụm miền Đông. Con trai anh chị là Nguyễn Minh Hoàng, tốt nghiệp đại học và hiện là công an Phòng cháy chữa cháy tại TP.HCM. Tiếp bước theo chân của anh, cô con gái út Nguyễn Thúy An cũng nhận việc ở Thành đoàn TP.HCM sau khi tốt nghiệp trường Khoa học Xã hội và Nhân văn. Để con cái ngoan, học giỏi là cả một quá trình dạy dỗ rất khéo léo mà vợ chồng anh chị đã làm được. Nhiều gia đình nhìn thấy những đứa con ngoan của anh chị đã mong muốn được họ chia sẻ kinh nghiệm dạy dỗ con cái.

Theo anh Tâm, anh làm kế toán cho một doanh nghiệp, chị công tác tại Trung tâm bệnh xã hội tỉnh. Cả hai vợ chồng đều bận rộn nên anh chị luôn hướng cho con rèn luyện tính tự lập. Việc học của con được ưu tiên hàng đầu nhưng anh chị cũng để con tự quyết định, cha mẹ chỉ “tư vấn” thêm cho con những gì con chưa biết. Không ép con phải học theo ngành này ngành nọ mà anh chị để cho con phát huy năng khiếu, sở trường của con. Từ nhỏ, hai anh em đã biết chăm ngoan, lo học hành bởi “đó là điều mà cha mẹ vui nhất” như An nói.

Hai anh em Hoàng và An thì cho rằng, cha mẹ không tỏ ra khắt khe, khó khăn khi dạy bảo con mà luôn “uốn nắn” kịp thời. Từ nhỏ hai anh em được mẹ dạy phải biết coi trọng việc học, nghe lời cha mẹ mới nên người. “Tùy theo từng lứa tuổi để có cách dạy dỗ, khuyên bảo con cho phù hợp” cũng là cách mà anh chị đã... vận  dụng để giáo dục con cái.

Hiện, cả 4 thành viên trong gia đình anh Tâm đều đi làm và anh chị vui khi con cái có thể tự lo cho cuộc sống của bản thân mình. Con cái mạnh khỏe, học hành giỏi giang cũng là “tài sản” quý nhất của anh chị. Với con cái của họ thì sự chăm lo, dạy dỗ của cha mẹ là điều quý giá mà hai anh em đã nhận từ cha mẹ mình. Dù con cái đã lớn nhưng theo chị, vẫn phải luôn bên con để kịp thời hướng dẫn, nhắc nhở con làm điều hay, điều tốt cho gia đình và xã hội. Bởi chị quan niệm, cuộc sống luôn có những bất trắc, khó khăn không thể lường trước nên phải tiếp tục dạy dỗ con, tiếp tục xây dựng gia đình hạnh phúc, là tổ ấm thực sự để làm nơi đi về cho cả nhà sau thời gian làm việc ở cơ quan...

QUỲNH NHƯ