Con em chúng ta có thực sự giỏi!
Đó là nghi ngại của số đông phụ huynh mà người viết có dịp tiếp cận, trao đổi khi nhận xét về năng lực học tập của con em sau khi biết kết quả cuối năm học. Đây không phải là lần đầu mà từ nhiều năm học qua, nhiều phụ huynh đã đặt ra nghi ngại đó khi biết tỷ lệ học sinh giỏi, đặc biệt là ở bậc tiểu học tại các trường luôn cao ngất ngưởng! Phải chăng đó là căn bệnh chạy theo thành tích mà công luận đã nói đến nhiều trong ngành giáo dục bao năm qua chưa có giải pháp nào để xóa bỏ?
(BDO)
Những ngày này, các trường tiểu học trên địa bàn đang vào mùa tổng kết. Tham khảo điểm thi cuối năm của nhiều học sinh thấy rằng tỷ lệ học sinh đạt điểm 9, điểm 10 các môn khá cao. Do vậy, tỷ lệ học sinh đạt loại giỏi cao là điều chắc chắn. Và nếu đó là con số thực thì giáo viên, phụ huynh rất đáng tự hào.
Thế hệ học sinh của Việt Nam hôm nay có thực sự giỏi như những kết quả đã và đang có. Những con số tổng kết “đẹp như mơ” đó đặt ra những nghi ngại về chất lượng học tập của con em chúng ta là điều khó tránh khỏi. Ngành giáo dục cả nước nhiều năm nay đặt ra khẩu hiệu thi đua “dạy thật, học thật, thi thật”. Ngay cả khẩu hiệu thi đua trên cũng đã dẫn đến lập luận rằng, hóa ra lâu nay việc dạy và học của chúng ta chưa thật chút nào.
Đã có nhiều nhà giáo đang đứng chân trong nghề lên tiếng về bệnh thành tích, một căn bệnh trầm kha chưa có “thuốc” chữa! Họ nói rằng rất khổ tâm khi mỗi mùa tổng kết năm học đến. Nếu đánh giá đúng chất lượng thì tỷ lệ học sinh đạt điểm cao không thể “đẹp” như vậy được và có khi họ lại bị “vạ” lây, bị ban giám hiệu nhà trường quở trách vì ảnh hưởng tới thành tích chung của cả trường. Đó là chưa kể những lời trách cứ từ phía phụ huynh khi biết con em họ không đạt điểm cao, không được nhận giấy khen cuối năm học. Có thầy giáo kể rằng nhiều phụ huynh không muốn con em họ “trắng tay” trong ngày tổng kết nên đã năn nỉ thầy “cho” con em họ cái giấy khen cuối năm để “bằng bạn, bằng bè”. Nếu thầy không đồng ý thì họ than rằng “thầy giáo gì mà keo kiệt”!
Có thể ai đó sẽ cho rằng người viết có cái nhìn hơi bi quan về năng lực học tập của con em mình. Nhưng nếu ai chưa tin cứ thử kiểm tra lại trình độ thực của con em mình sau những điểm số đẹp mà thầy cô đã chấm, sau những tấm giấy khen mà con em mình đã nhận. Tặng giấy khen, chấm điểm cao có nhiều người lý giải đó là liệu pháp khích lệ tinh thần học sinh. Nhưng liệu pháp đó diễn ra lâu ngày, năm này qua năm khác có khi lại hại vô cùng, vậy có nên chăng?
TRIỆU PHONG