Còn đó nỗi đau…
(BDO) Đó là nỗi đau của những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và gia đình của họ. 63 năm trôi qua (kể từ ngày quân đội Mỹ rải chất độc da cam xuống Việt Nam), những người lính giờ đây tóc đã bạc, mắt đã mờ, lại kể về nỗi đau hiện hữu khi sinh ra những người con dị dạng, ngờ nghệch...
Hội nạn nhân CĐDC/dioxin TP.Thuận An tổ chức đoàn đi thăm, tặng quà cho nạn nhân CĐDC sinh sống trên địa bàn. Ảnh: HỒNG THUẬN
Thương lắm, những phận người
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau, nước mắt của những nạn nhân nhiễm chất độc da cam (CĐDC)/dioxin và gia đình của họ thì vẫn luôn hiện hữu với thời gian.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Đình Chiến và bà Huỳnh Thị Nhi, nạn nhân CĐDC/dioxin ở phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) theo lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP.Thủ Dầu Một. Gia đình ông Chiến có 2 thế hệ nhiễm CĐDC/dioxin. Anh Nguyễn Đức Thắng, con trai ông Chiến, nay đã 48 tuổi nhưng chỉ có một “tư thế sống” duy nhất là nằm trên chiếc giường mà từ khi sinh ra đã buộc chặt vào đời anh.
Thân mình gầy còm, co quắp, hai chân tê liệt hoàn toàn, chỉ có đôi tay là còn cử động được đôi chút, anh Thắng không thể giao tiếp với mọi người xung quanh.
Thương con, bà Nhi chứa chan nước mắt: “Đây là đứa con trai lớn của vợ chồng tôi, năm nay đã 48 tuổi nhưng vẫn không gọi được một tiếng mẹ, tiếng cha. Từ khi sinh ra, cháu đã bị di chứng của chất độc hóa học, không nói, không cười và không thể bước đi trên chính đôi chân của mình. Mọi sinh hoạt cá nhân đều không thể tự chủ. Vợ chồng tôi dù đã già nhưng hàng ngày vẫn cặm cụi chăm sóc con”.
Rời gia đình ông Chiến, chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Tuyết (SN 1944, ngụ phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một). Bà Tuyết là nạn nhân bị nhiễm CĐDC/dioxin, đã từng tham gia kháng chiến trên chiến trường Tây Ninh và chiến trường Gia Định, Đồng Nai. Di chứng da cam đã khiến bà bị mù cả 2 mắt và liệt không thể đi được. Con bà, anh Lê Hoàng Sơn bị dị tật vì bị phơi nhiễm CĐDC/ dioxin. Trong căn nhà nhỏ của bà Tuyết, 2 người một già, một trẻ hàng ngày, hàng giờ vẫn đang vật lộn với căn bệnh quái ác bởi dioxin…
Theo lịch hẹn, chúng tôi đến thăm chị Nguyễn Thị Thư, con gái bà Nguyễn Thị Thuận ở phường Bình Hòa (TP.Thuận An). CĐDC đã để lại di chứng khủng khiếp cả về thể xác lẫn tinh thần của chị Thư. Toàn thân chị mọc nhiều cục máu to bằng bàn tay, đau rát. Đầu óc chị lúc tỉnh lúc mê, ngờ nghệch. Mỗi khi trái gió trở trời, chị sẵn sàng đánh, cấu xé bất cứ ai ở gần. Có những đêm chị lên cơn co giật, quằn quại đau đớn, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau. Bà Thuận phải thủ sẵn chiếc đũa gỗ to bằng ngón tay để ngăn chị không cắn vào lưỡi. Nhìn con cười nói trong vô thức, bà Thuận lặng lẽ lau nước mắt, ngẹn ngào: “Đã 37 năm rồi nhưng tôi vẫn không thể thích nghi được với hoàn cảnh này. Mỗi lần nhìn con lên cơn co giật, tôi như bị ngàn lưỡi dao cứa vào lòng, xót xa vô vọng”... |
Nỗi đau chưa hồi kết
Hiện toàn tỉnh Bình Dương có 1.014 người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm CĐDC/ dioxin và con đẻ của họ đang hưởng trợ cấp. “Thời gian qua Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh phối hợp các ngành, địa phương tiến hành khảo sát người bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh ở cộng đồng. Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành khảo sát 2.013 người khuyết tật ngoài cộng đồng có lịch sử lưu trú, bệnh tật nghi ngờ từ di chứng nhiễm CĐDC/dioxin của ông bà, cha mẹ. Hội cũng đang đề nghị UBND tỉnh cho giám định y khoa, xác định chính xác các trường hợp để làm chế độ và là minh chứng cho cuộc đấu tranh của bà Trần Tố Nga đòi công lý cho những nạn nhân bị CĐDC Việt Nam”, ông Trương Bình Long, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, cho biết.
Kỷ niệm 63 năm Thảm họa da cam Việt Nam (10.8.1961 - 10.8.2024) và Ngày Vì nạn nhân CĐDC (10- 8) năm nay, Ban Chấp hành Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh và một số địa phương đã tổ chức họp mặt, tặng quà trực tiếp cho 176 nạn nhân. Tỉnh hội, các địa phương cũng tổ chức đoàn thăm hỏi, động viên nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nặng. |
Nhằm xoa dịu nỗi đau da cam, những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, chế độ ưu đãi đối với nạn nhân CĐDC. Tại Bình Dương từ đầu năm đến nay, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh đã hỗ trợ cho nạn nhân trên địa bàn với tổng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng. Hàng tháng hội còn hỗ trợ thường xuyên cho 11 đến 12 gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó với mức hỗ trợ 1 đến 2 triệu đồng/nạn nhân. Đặc biệt năm qua, hội đã đưa các nạn nhân đi điều trị xông hơi giải độc tại Trung tâm Bảo trợ Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam để chia sẻ phần nào mất mát, đau thương mà nạn nhân da cam gánh chịu.
Theo công trình nghiên cứu được công bố trên một tập san khoa học uy tín thế giới, tổng số hóa chất mà quân đội Mỹ đã phun rải xuống chiến trường miền Nam nước ta trong 10 năm (1961-1971) khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học (61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kilogram dioxin). Đau xót hơn, loại chất độc này đã làm cho hơn 2 triệu người dân Việt Nam bị nhiễm độc, hơn 5 vạn trẻ em sinh ra bị dị dạng, quái thai và tạo ra những biến đổi nội tại gây tác hại về mặt di truyền nhiều thế hệ.
“Thời gian qua Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh phối hợp các ngành, địa phương tiến hành khảo sát người bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh ở cộng đồng. Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành khảo sát 2.013 người khuyết tật ngoài cộng đồng có lịch sử lưu trú, bệnh tật nghi ngờ từ di chứng nhiễm CĐDC/dioxin của ông bà, cha mẹ. Hội cũng đang đề nghị UBND tỉnh cho giám định y khoa, xác định chính xác các trường hợp để làm chế độ và là minh chứng cho cuộc đấu tranh của bà Trần Tố Nga đòi công lý cho những nạn nhân bị CĐDC Việt Nam”, ông Trương Bình Long, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, cho biết. |
KIM HÀ