Còn đâu tình chị em!

Thứ sáu, ngày 13/07/2018

(BDO) Cầm bản án của tòa, anh P.N.Q. không biết giải quyết sao cho thấu tình đạt lý, cho hài lòng tất cả chị em trong gia đình; mọi chuyện cũng chỉ vì vài trăm mét đất mà gia đình anh tốn công tốn sức, mâu thuẫn nhiều năm nay…!

Trong đơn khởi kiện, bà P.T.H. chị ruột của ông Q., là người đại diện các anh chị em trong gia đình cho rằng ông Q. đã chiếm trọn phần diện tích 400m2 mà cha mẹ để lại. Bà cho rằng việc đó là không công bằng, yêu cầu phải chia đều tài sản cho các đồng thừa kế. Còn ông Q. thì cứ nghĩ mình là người có công nuôi dưỡng cha mẹ và được hưởng thừa kế theo di chúc của bà N.L.X., là mẹ ruột của ông Q. và bà H.

Lúc còn sống, vợ chồng bà X. có với nhau tất cả 5 người con. Những người con kia đều đã có gia đình và cuộc sống ổn định. Chỉ còn lại Q. chưa lập gia đình nên ở chung với bà X., phụng dưỡng bà đến cuối đời. Vào năm 2006, bà X. đưa cho ông Q. tờ di chúc do bà X. lập tại UBND phường, thể hiện ý chí muốn trao toàn bộ phần thừa kế là 400m2 đất và căn nhà cấp 4 trên đất mà bà X. đang ở cho ông Q. cất giữ, xem nó như tấm “bùa hộ thân” nếu sau này các anh chị em có tranh chấp. Sau khi vợ chồng bà X. mất đi, ông Q. vẫn sinh sống trên phần đất đó để thờ cúng, hương hỏa cho cha mẹ. Cho đến năm 2016, bà H. quay trở về nhà và đòi chia tài sản này. Lúc này, ông Q. đưa ra tờ di chúc nhưng các anh chị em không đồng ý, cho rằng ông Q. lừa lọc, dụ dỗ bà X. lập tờ di chúc trên nhằm chiếm hết tài sản. Bà H. khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố tờ di chúc là vô hiệu vì không thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng của bà X., đồng thời yêu cầu chia đều tài sản cho các anh chị em. Còn phần ông Q. hoàn toàn không biết bà X. đi làm di chúc từ lúc nào, chỉ khi bà X. đưa ra thì ông mới biết, vì lúc còn sống bà X. hoàn toàn minh mẫn và có đầy đủ sức khỏe!

Qua quá trình xem xét, tòa nhận định phần di sản này đúng là của vợ chồng bà X. đã tạo lập nên lúc còn sống. Còn tờ di chúc được lập là loại di chúc bằng văn bản, người để lại di chúc có đánh dấu thập, dấu vân tay và chứng thực của UBND nơi cư trú. Tuy nhiên, bà X. không biết chữ nhưng khi lập di chúc không có người làm chứng và không có người làm chứng ký tên trước mặt người có thẩm quyền chứng thực của UBND. Do vậy, tờ di chúc này không có giá trị pháp lý nên không phát sinh quyền thừa kế theo di chúc của ông Q. đối với phần di sản này. Như vậy, phần di sản thừa kế của bà X. sẽ được chia đều cho 5 người con của bà X., trong đó có ông Q. Hiện tại, ông Q. đang sinh sống trên mảnh đất này, có công giữ gìn hương hỏa cho gia đình, nếu không muốn bị xáo trộn thì ông Q. có thể bồi hoàn giá trị tương đương cho các anh chị em theo giá trị miếng đất. Tài sản trên được định giá có giá trị gần 4 tỷ đồng. Chỉ một người đồng ý lấy đất, còn lại đều muốn quy ra thành tiền. Như vậy, nếu chia đều thì ông Q. phải bồi hoàn cho mỗi người gần 800 triệu đồng! Với số tiền này thì ông Q. không có khả năng bồi hoàn, còn tính theo phương án chia đất thì ông không nỡ, vì nếu chia đất thì căn nhà cấp 4 mà ông sinh sống, thờ cúng ông bà phải dỡ bỏ.

Đến giờ chị em vẫn còn nhiều mâu thuẫn chưa giải quyết, tất cả đều chưa thể ngồi lại nói chuyện, thống nhất với nhau, dù bản án trong tay nhưng không dễ thực hiện!

 THỦY TRINH